Sau 1 năm triển khai, mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Năm 2017, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bắt đầu triển khai một số mô hình dân vận là “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại các xã/huyện đảo xa đất liền. Mô hình nhằm hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” nhằm đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận của lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình mới; tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng địa phương các xã/huyện đảo vững mạnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã/huyện đảo là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai mô hình.

{keywords}
Sau 1 năm triển khai, mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào :Tuyên truyền Công ước Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Biển các nước trong khu vực có vùng nước giáp ranh với Việt Nam; Luật Thủy sản; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Luật phòng chống tội phạm ma túy; Luật môi trường; tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước để khuyến khích, động viên nhân dân ra biển đánh cá, ổn định sinh sống trên đảo.

Hàng ngày, Cảnh sát biển Việt Nam vẫn thường xuyên có từ 15 – 20 tàu, xuồng trực tại các đảo xa bờ và làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo trên các vùng biển của Tổ quốc nhất là vùng biển giáp ranh, vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp giữa Việt Nam với các nước để hướng dẫn và tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Tham gia phát biểu tại hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm triển khai Mô hình công tác Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với Ngư dân” hôm 27/10, ngư dân Dương Thành Long, thuyền trưởng tàu QNg 96157 cho biết: Gia đình tôi có truyền thống đi biển nhiều đời nay. Cảnh sát biển thường xuyên tập huấn kiến thức về biển đảo, tặng cờ Tổ quốc, tặng tủ thuốc và phao cứu sinh đã giúp chúng tôi yên tâm đánh bắt tại những vùng biển xa. Qua thông tin liên lạc, khi gặp sự cố chúng tôi có thể ngay lập tức nhận được sự trợ giúp qua bộ đàm và sao đó thì được cảnh sát biển đến tận nơi cứu hộ, cứu nạn.

Cũng tại hội nghị này, đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 chia sẻ: Bên cạnh việc tuần tra kiểm soát trên biển, việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển là nhiệm vụ “sống còn” của cảnh sát biển. Bởi sự hiện hiện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn khẳng định chủ quyển biển đảo của Tổ quốc.

Không những hỗ trợ ngư dân ở những vùng biển xa đất liền, cảnh sát biển còn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ người thân của ngư dân trên đất liền.Trong năm 2017, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển đã vận động được 43 cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp ủng hộ, tài trợ, giúp đỡ cả vật chất và tinh thần để đồng hành cùng cảnh sát biển.

Chỉ đạo triển khai Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với Ngư dân” giai đoạn 2017 – 2020 và những năm tiếp theo, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: "Kết quả thực hiện Mô hình đã góp phần xây dựng, củng cố địa phương ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển.

Qua rút kinh nghiệm lần này, Cảnh sát biển Việt Nam xác định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này một cách thường xuyên, liên tục. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của lực lượng Cảnh sát biển.Phải tăng cường hơn nữa giáo dục về pháp luật đối với ngư dân.Ngư dân chấp hành tốt pháp luật cũng góp phần to lớn để giúp Cảnh sát biển thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.

Minh Thành - Phương Cúc