Xem video:
Một doanh nhân có tên Manuj Kathuria sống ở Delhi (Ấn Độ) mới đây vừa bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc lái chiếc xe SUV của mình lao nhanh qua con đường ngập nước và làm ngập tầng hầm của một trung tâm dạy học nằm ven đường.
Đoạn video do người dân quay lại cảnh chiếc SUV nhãn hiệu Force Gurkha trang bị "ống thở" đã lao phăm phăm qua con đường Bada Bazar ngập nước ở Rajinder Nagar (một khu dân cư ở trung tâm Delhi, Delhi). Sóng nước mạnh tạo bởi chiếc SUV sau đó đã đánh sập hàng rào chắn được người dân dựng lên trước cổng trung tâm dạy học.
Sau khi cánh cổng chắn bị xô đổ, nước từ đường phố bắt đầu chảy xuống tầng hầm của trung tâm. Lúc này, dưới tầng hầm đang có một lớp học và nước ngập đã khiến 3 trong số 20 học sinh mắc kẹt bị thiệt mạng.
Cảnh sát đã lập tức bắt giữ chủ chiếc xe SUV vì cho rằng “Sự sơ suất của tài xế đã gây ra thảm kịch. Bất chấp một người bán hàng rong đã cố gắng ngăn cản nhưng anh ta vẫn lái xe rất nhanh gây ra sóng nước”.
Theo lời khai của Kathuria, thời điểm đó anh đang lái xe về nhà và chỉ đi với tốc độ 15km/h phù hợp với luật giao thông.
Trong khi đó, vợ của Kathuria là Shima Kathuria đã nộp đơn xin bảo lãnh chồng và phủ nhận cáo buộc, cho rằng chồng mình không làm gì sai. "Trung tâm đang điều hành lớp học dưới tầng hầm một cách bất hợp pháp, khi mà tầng hầm của tòa nhà chỉ được phép sử dụng làm kho chứa," Shima nói. Cô ấy cũng chỉ ra rằng cảnh sát đã không làm đúng công việc của mình. "Rõ ràng là họ nên rào chắn con đường ngập nước để tránh tai nạn".
Luật sư bào chữa cho Manuj Kathuria biện luận rằng, con đường này trước đó cũng đã có nhiều ô tô đi qua và tạo ra sóng nước, nên không có gì khẳng định chiếc xe của thân chủ mình là nguyên nhân chính làm sập rào chắn, mà chỉ là sự vô tình.
Thực tế tại các con đường ngập nước, không hiếm thấy cảnh các loại xe ô tô gầm cao, nhất là xe SUV được tài xế cố tình lái nhanh với suy nghĩ không để nước tràn vào ống xả và xe không bị yếu ga dẫn đến chết máy. Chính điều này đã tạo nên các cơn sóng nước, khiến người đi bộ, đi xe máy và công trình nhà cửa hai bên đường bị ảnh hưởng.
Việc lái xe quá nhanh khi qua vùng ngập nước có thể phản tác dụng bởi sóng nước dâng cao có thể tràn vào khoang máy, xâm nhập động cơ qua cổ hút gió và tạo thành hiện tượng "thủy kích". Tốt nhất nếu nước ngập quá nửa bánh xe ô tô, tài xế không nên liều lĩnh lái qua để đảm bảo an toàn.
Theo Cartoq
Bạn đã từng gặp tình huống thót tim khi lái xe? Hãy chia sẻ video, thông tin tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!