Được sự giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng thôn Xuân Lai - nơi được coi là "thủ phủ" sản xuất khẩu trang ở Bắc Ninh - và được ông Nam khuyến cáo: khách không quen vào làng Xuân Lai sẽ rất khó mua khẩu trang, mọi giao dịch họ chỉ làm với dân buôn. Nhiều người dân và các quầy thuốc y tế cũng phản ánh với PV, hiện không thể mua khẩu trang từ các cơ sở sản xuất này.
Ông Nam dẫn chúng tôi vào cơ sở sản xuất khẩu trang V.A của nhà ông Nguyễn Văn Sáng. Tại đây, chúng tôi ngỏ ý muốn gặp chủ cơ sở để tiếp cận hồ sơ, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa sản phẩm nhưng không được đáp ứng vì người đại diện pháp luật của cơ sở đi vắng. Mặc dù được trưởng thôn giới thiệu là PV xuống tác nghiệp, có sự giới thiệu của chính quyền xã, nhưng khi thấy chúng tôi quay phim, chụp ảnh, rất nhiều người lập tức chạy ra cản trở và không cho tiếp cận khu vực sản xuất.
Theo quan sát của PV, nhiều xưởng sản xuất khẩu trang ở thôn Lai khá lụp xụp, chật chội và không đảm bảo vệ sinh cũng như an toàn phòng chống cháy nổ. Có những cơ sở để nguyên liệu bừa bãi dưới đất, không có nơi đóng hàng và thu gom rác thải theo quy định. Nhiều cơ sở đóng gói bao bì sản phẩm có ghi tên thương hiệu nhưng không thấy ghi địa chỉ, số điện thoại nơi sản xuất, cũng như số đăng ký lưu hành sản phẩm y tế.
Bên trong nhiều cơ sở sản xuất, dây điện chằng chịt xung quanh các dàn máy móc chạy rầm rầm hết công suất cả ngày lẫn đêm, cùng với đó là công nhân không đeo khẩu trang, không có găng tay và đồ bảo hộ lao động đang hối hả đóng hàng.
Tại cơ sở sản xuất khẩu trang VA, bà Nguyễn Thị Nhung, chủ cơ sở, không xuất trình được giấy tờ pháp lý, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kiểm định sản phẩm. Bà Nhung cho biết: "Hiện nay, toàn bộ giấy tờ pháp lý liên quan đến sản phẩm khẩu trang do chồng tôi là Nguyễn Văn Sáng cất giữ, nhưng ông ấy đi vắng không có nhà nên không biết để đâu. Thời gian qua, cơ sở sản xuất của chúng tôi có nhiều dân buôn lạ mặt đến đặt mua hàng và trả giá rất cao, nhiều khi họ còn gây sức ép nếu không bán, họ còn đe dọa không cho nhà tôi mang hàng ra khỏi xưởng để bán".
Nói về việc tồn tại của nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang nghi không đảm bảo chất lượng, ông Nguyễn Kim Vượng, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, nói: "Ở xã chúng tôi hiện nay có 10 cơ sở sản xuất khẩu trang, trong đó chỉ có 2 cơ sở được Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cấp phép sản xuất khẩu trang y tế. Các cơ sở còn lại có đăng ký sản xuất, kinh doanh may mặc, trong đó có mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn với các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh. Việc kiểm tra chất lượng khẩu trang của các cơ sở sản xuất do các cơ quan chức năng liên ngành tiến hành. Chính quyền xã không thể can thiệp sâu vào quá trình sản xuất của các xưởng, nên không rõ chất lượng ra sao”.
Cũng theo ông Vượng, thời gian qua, các cơ quan chức năng của huyện Gia Bình và xã Xuân Lai nhiều lần đi kiểm tra nhưng chưa phát hiện cơ sở nào bán tăng giá. Chính quyền cũng yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất phải ký cam kết bình ổn giá theo quy định của Chính phủ.
“Khẩu trang khan hiếm từ khi xảy ra dịch Covid-19. Nhiều dân buôn từ các tỉnh đổ về đây mua bán tấp nập khắp xóm làng, chủ cơ sở sản xuất thì giao dịch với dân buôn. Đến như cán bộ chúng tôi cũng khó tiếp cận được với chủ cơ sở sản xuất, vì họ luôn khóa cửa với lý do hết nguyên liệu, máy móc hỏng hoặc đi vắng”, ông Vượng nói.
Hình ảnh sản xuất khẩu trang ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh:
Theo VTC