Thói quen nhỏ dẫn tới hậu quả nặng nề

Kỹ sư Lê Hồng Đại - Giám đốc Công ty Phát triển thương mại Ô tô Đại Linh (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vừa kể lại với VietNamNet về một trường hợp khiến chính anh phải "toát mồ hôi".

Chuyện là các đây 3 ngày, gara của anh Đại đã phải kéo chiếc Chevralet Spark đời 2014 của một vị khách từ Phú Thọ về vì xe bị ì đến mức không thể đi được. Kiểm tra ban đầu, nhân viên gara xác nhận chiếc xe này đã ở trong tình trạng quá nhiệt dẫn đến bó máy khá nặng.

Chiếc Chevrolet Spark 2014 bị thổi gioăng mặt máy vì nước làm mát không thể tuần hoàn được. (Ảnh NVCC)

Sau khi tháo các chi tiết, anh Đại và các nhân viên của gara "tá hoả" khi bộ phận rất quan trọng là máy bơm két nước dù vẫn hoạt động bình thường nhưng đã mất hoàn toàn tác dụng bởi các cánh quạt bị ăn mòn cụt ngủn, khiến nước không thể tuần hoàn, động cơ không được làm mát dẫn đến bị bó máy và thổi gioăng mặt máy.

Kỹ sư Lê Hồng Đại kể: "Khách đang đi kim nhiệt độ báo đỏ và sau khi đã tư vấn là không nên di chuyển nhưng anh này vẫn cố gắng đi. Hậu quả là động cơ bị quá nhiệt nên bó máy và thổi gioăng, cong tay biên rất nặng.

Lý do nằm ở chính bộ phận bơm nước làm mát đã không còn cánh quạt do bị ăn mòn, thế nên không thể guồng nước mát đến các bộ phận dù nước của xe vẫn đầy đủ".

Chiếc Chevrolet Spark này sau khi nằm ở gara để xử lý, thay thế nhiều bộ phận, đặc biệt là phải đại tu máy đã "ngốn" của chủ xe hết gần 20 triệu, trong khi giá trị chiếc xe chỉ có hơn 100 triệu đồng. 

(Toàn bộ cánh quạt bơm két nước chiếc Spark đã bị ăn mòn - ảnh trái, phải thay bơm nước mới - ảnh phải)

Theo anh Đại, thực tế thì việc các bộ phận của hệ thống làm mát như cánh quạt bị ăn mòn với nhiều mức độ khác nhau là khá phổ biến, ngay cả những xe hạng sang đắt tiền. Tuy vậy, hiếm trường hợp nào cánh quạt kim loại bị cụt ngủn như chiếc Spark của vị khách ở Phú Thọ nêu trên.

Nguyên nhân căn bản của vấn đề này nằm ở việc chủ xe đã sử dụng nước làm mát kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong thời gian dài hoặc dùng tạm nước lã có nhiều khoáng chất khiến kim loại mỏng manh như cánh quạt máy bơm rất dễ bị ăn mòn. Đây cũng chính là thói quen thường gặp của rất nhiều chủ xe hiện nay.

Động cơ của một chiếc KIA Carens đang phải đại tu tại gara của kỹ sư Lê Hồng Đại, nguyên nhân cũng bởi cánh quạt máy bơm bị rỉ sét, mất tác dụng. (Ảnh NVCC)

Làm gì để phòng tránh?

Kỹ sư Lê Hồng Đại cho rằng, hệ thống làm mát luôn là một trong những bộ phận quan trọng bậc nhất trên xe bởi nó liên quan trực tiếp đến khả năng vận hành trên đường, nhất là trong mùa hè.

Khi vào mùa nóng, cần đưa xe đi vệ sinh hệ thống làm mát, các đường ống dẫn nước làm mát, két nước, quạt làm mát… Đặc biệt là kiểm tra, thay nước làm mát định kỳ để đảm bảo tình trạng hoạt động của hệ thống này được trơn tru, ổn định. 

Thông thường, để đảm bảo két nước hoạt động tốt, sau mỗi 30.000 - 40.000km tuỳ vào tình trạng phương tiện, chủ xe nên thực hiện vệ sinh két nước làm mát. Chi phí vệ sinh bằng máy và dung dịch chuyên dụng hiện cũng không quá đắt, chỉ tốn vài trăm nghìn đồng và hết khoảng 1 giờ đồng hồ.

Bên cạnh đó, chủ xe cũng cần lưu ý sử dụng nước làm mát chuyên dụng để đảm bảo két nước cũng như các bộ phận như máy bơm hoạt động hiệu quả, tránh hư hỏng, rỉ sét. Giá của loại nước này cũng chỉ dao động khoảng 200 nghìn đồng/can 4 lít.

Sử dụng nước làm mát chuyên dụng là cách hiệu quả giúp bảo vệ chiếc xe và "túi tiền" của mình. (Ảnh minh hoạ)

Trong trường hợp đang sử dụng xe mà phát hiện nước làm mát bị hao hụt mà không có sẵn nước làm mát chuyên dụng, có thể dùng các loại nước lọc tinh khiết bổ sung vào bình nước phụ vì loại nước này đã được loại bỏ các tạp chất, thành phần kim loại nặng và cặn.

Tránh tối đa sử dụng các loại nước khoáng, nước máy để thay thế nước làm mát trong thời gian dài vì sẽ gây ra hiện tượng tắc nghẹn, đóng cặn và ăn mòn các bộ phạn trong hệ thống làm mát của xe như các trường hợp được đề cập ở trên.

"Bảo dưỡng định kỳ hệ thống nước làm mát và sử dụng nước đúng chủng loại không hề tốn kém nhưng sẽ giúp bảo vệ chiếc xe tốt hơn, nhất là vào mùa nóng. Quan trọng nhất là tránh được các sự cố hỏng hóc không mong muốn khiến xe phải nằm đường, khi đó, chi phí sửa chữa rất lớn và còn mất thời gian, ôm cục tức vào người", kỹ sư Lê Hồng Đại nhấn mạnh.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Tầm quan trọng của nước làm mát trong bảo dưỡng ô tô

Tầm quan trọng của nước làm mát trong bảo dưỡng ô tô

Nước làm mát đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận hành một chiếc xe ô tô. Do đó, việc hiểu được các tác dụng của nước làm mát cũng như chú ý theo dõi tình trạng của chất này sẽ giúp tăng tuổi thọ của chiếc xe.