Để công tác vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả, các địa phương trong tỉnh Lào Cai đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa.
Cùng với đó, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố đạt chuẩn, xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn; tổ chức phát động phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn gắn với duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn.
Hiện toàn tỉnh Lào Cai có gần 83.700 hộ chăn nuôi, trong đó gần 62.500 hộ có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; có khoảng 7.000 hộ thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas, 379 trang trai chăn nuôi và 9 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Việc thu gom chất thải từ ngành nông nghiệp (vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, vỏ vắc xin, vỏ bao gói thuốc thú y) cơ bản người dân các địa phương đã có ý thức thu gom đưa vào các bể chứa theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Lào Cai đã có 86 xã được công nhận hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình hay được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Tiêu biểu như mô hình Câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp”. Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã có trên 700 mô hình Câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp”. Các cấp Hội Phụ nữ duy trì 14 mô hình “Tổ Phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn”; mô hình “Tổ Phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa”; mô hình “Tổ Phụ nữ tự quản tuyến phố không rác thải” thị xã Sa Pa; mô hình “Đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp”; mô hình “Thắp sáng đường quê” tại địa bàn các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương; mô hình Câu lạc bộ Thanh niên bảo vệ môi trường (Câu lạc bộ Sa Pa Xanh, Câu lạc bộ Sa Pa Ngày mới…); đội hình tình nguyện thu gom rác thải Xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà...
Nhiều vùng nông thôn xuất hiện nhiều tuyến đường hoa, đường cây xanh, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao.
Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hoá theo các tiêu chí hữu cơ, organic, VietGap, GACP... để quản lý và xử lý đồng bộ chất thải. Tổ chức sản xuất sản phẩm chủ lực theo chuỗi được áp dụng tiêu chuẩn đạt trên 4.200 ha diện tích các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 637 ha diện tích sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP; trên 210 ha dược liệu sản xuất theo quy trình GACP-WHO; 14 vùng trồng và 8 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số và 120 sản phẩm được công nhận OCOP; 85 doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia với 295 sản phẩm được gắn mã QR-Code để truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa đã hình thành nhiều tuyến phố văn minh, tuyến phố kiểu mẫu thực hiện tốt tiêu chí vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn.
Hàng năm, nhiều cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu được các địa phương tuyên dương khen thưởng vì có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường. Ý thức của người dân được nâng lên, việc thực hiện phân loại rác đúng cách, đổ rác đúng thời gian quy định, không gây mất mỹ quan đô thị đã dần đi vào nền nếp. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn được xử lý triệt để tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh và nhà máy xử lý đạt 75%.
Đặc biệt, Lào Cai đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung: Tiếp tục duy trì và nâng cấp Trạm xử lý nước thải thành phố Lào Cai; khởi công Dự án Cải tạo nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Đông Phố Mới; duy trì 2 trạm tại thị xã Sa Pa với tổng công suất 7.500 m3/ngày đêm.
Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản cũng được tỉnh Lào Cai chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường đối với khu vực, dự án đã hết hạn giấy phép khai thác; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo số liệu thống kê của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, hiện nay có 197 đơn vị thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền 219 tỷ đồng.
Với những cách làm hay, sáng tạo đã giúp cảnh quan môi trường ở tỉnh Lào Cai ngày càng xanh, sạch, đẹp, đáp ứng tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.