-Đường Lê Trọng Tấn mới hoàn thành đã tạo ấn tượng mới, mạnh về một thực nghiệm đầu tư xây dựng phố mới đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, chiếu sáng cho tới biển quảng cáo. Hầu hết các ưu điểm đã được thể hiện, duy còn có nhiều băn khoăn về biển quảng cáo. Trước tình hình đó các cơ quan quản lý khẳng định tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân để điều chỉnh cho phù hợp, sau đó nhân rộng ra các tuyến phố khác.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL Hà Nội: “Tại tuyến đường Lê Trọng Tấn có 2 loại biển gồm biển hiệu và biển quảng cáo. Đối với biển hiệu, quận Thanh Xuân đã lấy ý kiến của người dân và được người dân đồng thuận. Còn với biển quảng cáo sẽ phải xin phép Sở cấp phép lắp dựng. Sở căn cứ vào ý kiến đóng góp của dư luận, khi cấp phép sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện cho phù hợp, đảm bảo đẹp cả ban ngày lẫn ban đêm.” (Vietnam+ 12/5/2016). Như vậy ngoài những điều chỉnh về “biển hiệu” những cơ hội thể hiện sự độc đáo, tính sáng tạo trong “quảng cáo”, trang trí nhà cửa công trình vẫn còn rộng cửa và “đường phố kiểu mẫu của Hà Nội” sẽ tiếp tục thể nghiệm những hình mẫu mới.

{keywords}

Trước và sau can thiệp các biển quảng cáo phố Lãn Ông: Những thông tin thương mại, thương hiệu đầy đủ - còn ngôi nhà, con phố lấy lại được bộ mặt và linh hồn của mình vốn bị sự cẩu thả, tùy tiện hủy hoại. (Dự án do BQL phố cổ Hà Nội hoàn thành năm 2014)

Từ tình trạng lộn xộn trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, việc thử nghiệm đồng bộ hóa biển hiệu/quảng cáo trên tuyến đường mới Lê Trọng Tấn là cần thiết, đảm bảo mỹ quan đô thị và phù hợp với các văn bản quy định. Vấn đề là làm thế nào “đường phố kiểu mẫu của Hà Nội” đẹp, mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long Hà Nội mới là điều ao ước của bà con Thủ đô, đặc biệt là các bạn hoạt động trong lĩnh vực thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc cảnh quan, các họa sĩ, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này. Đây thực sự là cơ hội nhưng cũng là một thách thức… 

Một câu nói dùng nhiều đến nhàm tai nhưng trong tình thế của cặp quan hệ bất đối xứng: cơ hội rất ít nhưng thách thức vô cùng nhiều: thiết kế quảng cáo cho một ngôi nhà thực tế là thiết kế lại mặt đứng cả ngôi nhà, ở quy mô một đường phố thì là thiết kế lại cảnh quan của cả đường phố. Khác với kiến trúc mang hình ảnh tĩnh – nếu là nhà mặt phố thì chỉ chú trọng tới trang trí mặt đứng đường phố bằng hình khối, đường nét, mầu sắc và vật liệu hoàn thiện; Thiết kế quảng cáo sử dụng đa chất liệu: màu sắc, ánh sáng, hình ảnh động và tĩnh và cả âm thanh, hình ảnh, không giới hạn ở mặt đứng mà còn sắp đặt tại các vị trí của công trình (đầu hồi, tầng cao) và cả ngoài công trình (cột, khung dàn quảng cáo độc lập).

{keywords}

Tác phẩm trong triển lãm “Nhà Mặt phố” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: tác phẩm lấy minh họa từ các biển quảng cáo trên các ngôi nhà: các biển quảng cáo này đáp ứng các quy định của ngành Văn hóa và Xây Dựng- nhưng ta không thể nhận ra các ngôi nhà trên phố và các con phố ở Hà Nội? Sài Gòn? Đà Nẵng hay một thành phố ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới – Một con phố của thời “Toàn cầu hóa” – văn hóa bản địa không còn tồn tại?

Do sự phức tạp về kết cấu và nội dung, thiết kế quảng cáo chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản quy định, quy phạm của 2 cơ quan quản lý: văn hóa và xây dựng. Ngành xây dựng đã ban hành văn bản “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phương tiện quảng cáo ngoài trời, mã số QCVN 17:2013/BXD.” (có hiệu lực từ ngày 01/5/2014) - Quy chuẩn không chỉ giải thích thuật ngữ, những quy phạm an toàn về kết cấu, an toàn điện, cháy nổ, chiếu sáng… tỉ mỉ mà còn tham chiếu đến Luật Quảng cáo; Luật Xây dựng; Luật Giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Điện lực; Luật Đường sắt. Điều đáng quan tâm là mặc dù có nhiều quản lý chi li đến vậy, tại sao thực tế quảng cáo quanh ta vẫn xấu và lộn xộn? Công bằng mà nói thì không chỉ riêng quảng cáo mắc căn bệnh này, nhưng vì nó đập vào mắt ta, tai ta, mũi ta trực tiếp/ngay lập tức, hàng ngày, hàng giờ nên cảm xúc tức thời là vậy.

Hà Nội ta đã có ít nhất hai những ví dụ tích cực trong lĩnh vực này: một là đường Lê Trọng Tấn đang ồn ào và hai là phố Lãn Ông vốn rất trầm lắng. Hai ví dụ này cho hai kết quả khác nhau: bên thì đang tiếp tục thảo luận, hoàn thiện; bên thì êm ái đồng thuận và đang âm thầm tự sửa mình, nhưng có chung một bài học: nếu không có một tổng chỉ huy quyết tâm tấn công vào cái xấu, cái lộn xộn, tùy tiện thì Hà Nội không bao giờ có cảnh quan đẹp bởi trang trí, quảng cáo trên đường phố - nhưng đây cũng cho thấy một quan hệ bất đối xứng nữa, đó là quan hệ một /nhiều: một nhà quản lý quyết tâm cao có thể tạo lập trật tự, ngăn nắp ngay, nhưng muốn làm nó đẹp thì không dễ dàng; Ngược lại một KTS, họa sĩ, nghệ sĩ sắp đặt /quảng cáo giỏi cỡ mấy thì có thể thành công cho một công trình, nhưng với cảnh quan của một đoạn phố đã là không thể thì nói chi đến cả đường phố.

Sở Văn hóa TT Hà Nội và Cục Mỹ thuật , nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ Văn Hóa TT &DL) đang mời gọi các KTS, nghệ sĩ tham gia sáng tác trang trí đường phố, triển lãm điêu khắc tại khuôn viên trụ sở tòa nhà, không gian công cộng… để đưa nghệ thuật đến cộng đồng. Việc này rất hay, thú vị - nhưng lại thêm một thách thức lớn của một cuộc đối thoại nhiều bên /nhiều vấn đề: sáng tác cái gì? ở đâu? cho ai? vẽ để chơi hay để làm. Thời buổi cơm áo gạo tiền, mấy ai thực tài mà đi vẽ chơi, nhưng vẽ để làm thật phải có tiền thật – phải là “dự án” - mà dự án thời nay thì khác xa với sáng tác: những chuẩn mực về đẹp/ xấu; đúng/ sai; dung hòa giữa sự sáng tạo bay bổng với những quy trình, quy phạm chặt chẽ… Hành trình đến cái đẹp thật gian nan nhưng không phải là bế tắc, ở đây không hẳn là bài học thành công nhưng là một sự đánh giá/so sánh: KTS Lê Văn Lân – Phó chủ tịch hội KTS Hà Nội nhận xét thiết kế trang trí chiếu sáng từ sân bay về trung tâm thành phố thì hiện nay Đà Nẵng đẹp hơn Hà Nội.

Con đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn đã cho thấy: cuộc thảo luận làm thế nào để chung tay làm đẹp đường phố Hà Nội đẹp đã bắt đầu – rất có thể hình ảnh ngày mai Hà Nội đẹp và trật tự đã bắt đầu ló dạng.

KTS Trần Huy Ánh

18h00 ngày 14/5/2016