Gần Tết nhà nào nhà nấy tất bật chuẩn bị các loại bánh trái, giò chả, bày mâm ngũ quả… để đón Tết. Và thường thì năm nào cũng thế, đêm 30 xong mọi việc, cả gia đình ngồi chơi uống nước, kiểm lại việc đã làm được trong năm, dự định những việc lớn của năm mới.
Riêng các cô cậu thanh niên thì dù thời tiết có khắc nghiệt đến mấy vẫn kéo nhau đi loanh quanh, chờ giao thừa xong thì lên đình, chùa xin lộc mang về để lên mâm ngũ quả.
Tôi còn nhớ như in chuyện xảy ra khi mới là sinh viên năm nhất. Sau bữa cơm tất niên chuẩn bị mọi thứ để đón giao thừa, thấy còn sớm, mấy anh em rủ nhau đi chơi.
Gặp lại bạn, mải chuyện, khi nghe tiếng pháo giao thừa rộ lên mới cuống cuồng chạy về nhà. Nghe mọi người bảo sau giao thừa, ai có cành lộc mang về thì may mắn cả năm. Song khi lên chùa, tôi thấy những cành lộc dưới thấp mọi người đã hái hết, chỉ còn lại mấy cành trên cao. Về tay không thì sợ không may mắn, tôi nghĩ tới nghĩ lui.
Về đến gần nhà nhìn thấy cây đu đủ của hàng xóm mọc gần lối đi có cả hoa cả quả, không nghĩ ngợi gì tôi liền kéo xuống bẻ ngọn mang về. Trong lòng khấp khởi nghĩ, năm nay lộc sẽ đủ đầy. Bởi không thế mà nhiều người vẫn bày mâm ngũ quả có nó sao?
Khệ nệ vác cành lộc về, nhựa ra đầy tay và quần áo, tôi vào nhà khoe với mọi người. Không ngờ cả nhà cười rộ lên. Tôi gân cổ giảng giải ý nghĩa của cành lộc mình hái nhưng mọi người vẫn không dừng cười. Bố tôi hỏi: "Con bẻ cây này ở vườn nhà ai vậy? Có phải vườn nhà bà Kiên không?".
"Vâng đúng rồi", tôi đáp.
"Vậy thì sáng mai con sẽ có đầy đủ lộc đấy. Cứ đợi xem bố nói có sai không nhé".
Sáng sớm mùng 1, tôi còn chưa thức giấc, anh trai đã chạy vào gọi giật giọng: "Dậy mà xem, có chuyện rồi đấy". Tôi vùng ngay dậy. Thấy tiếng nói to ngoài ngõ, tôi không dám lộ diện mà chỉ đứng trong sân nghe.
Bà hàng xóm đang đứng ngó nghiêng gốc cây đu đủ đã bị bẻ ngọn. Bà cầm mấy tầu lá gãy giập lên rồi lại quăng xuống, giãy nảy: "Ôi trời ơi! Không biết đứa nào bẻ ngọn cây đu đủ của tôi thế này, chắc bẻ đêm qua rồi. Vết còn mới nguyên. Sao mà tai ngược vậy chứ. Mai bà tìm ra thì chết với bà, còn hôm nay đầu năm mới bà tạm tha chưa chửi đâu. Đừng tưởng bà không chửi đã vội mừng".
Nghe vậy tôi thở phào nhẹ nhõm. Lòng thầm nghĩ: "Thôi mấy ngày Tết cứ chơi đã, không bị nghe chửi là tốt rồi, còn sau đó kệ bà chửi, mình có ở nhà đâu mà nghe".
Mọi việc cứ qua đi, cành lộc tôi mang về to, độc, lạ nhưng chẳng được ai chào đón. Tôi đành cho nó nằm gọn một góc vườn kín ngay sau đó.
Sau Tết tôi lên trường học tiếp. Mấy tuần sau được nghỉ về nhà tôi vội hỏi mẹ: "Bà Kiên có chửi không, có biết con đã bẻ cây không vậy mẹ?".
"Cha bố cô, cô đi rồi tôi phải sang xin lỗi bà ấy ngay không thì cả xóm váng óc. Đầu năm lộc đâu chưa thấy mà đã phải bồi thường tiền cho người ta rồi. Mẹ nói mãi bà ấy mới nghe đấy. Lần sau thì chừa đi. Cây người ta trồng mãi mới đến lúc thu thì bẻ nghiến đi như vậy ai mà chả bực mình. Rút kinh nghiệm đi con ạ".
"Vâng! Con nhớ rồi", tôi trả lời, giọng lí nhí.
Sau này tôi được đọc nhiều bài viết về vấn đề này, tôi cũng đồng tình với quan điểm của nhiều người, đầu xuân hái lộc chỉ cần một cành lộc nho nhỏ, không nên hiểu sai tập tục này mà để xảy ra những tình huống còn tréo ngoe hơn tôi.
Minh Ngọc (Ninh Bình)
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: [email protected] |