Theo Daily Mail, người phụ nữ này đã bí mật đăng tải một đoạn video lên mạng xã hội, trong đó, cô nhắc tới việc bị chủ lao động người Ảrập Xêút đối xử tàn nhẫn.

Trong video, người phụ nữ này khẩn thiết xin được giúp hồi hương vì bị tấn công tình dục, bị bỏ đói và bị nhốt suốt 15 ngày. Cô còn giơ cánh tay đầy vết sẹo trước ống kính.

{keywords}
 

Đoạn video kêu cứu được đăng trên Facebook và được chia sẻ hàng nghìn lần. Video đầy nước mắt của người giúp việc trên đã nêu bật tình trạng các lao động nghèo người châu Á bị bóc lột như thế nào khi làm việc tại nước ngoài. Người Bangladesh hiện kêu gọi mau chóng đưa người phụ nữ trên từ Ảrập Xêút về nước.

"Có lẽ tôi không thể sống lâu hơn được nữa. Xin hãy cứu tôi. Họ đã nhốt tôi 15 ngày và hầu như không đưa cho tôi chút thức ăn nào. Họ làm bỏng tay tôi bằng dầu nóng và trói tôi", người giúp việc 25 tuổi kêu cứu.

Đoạn video thương tâm trên đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình tại thủ đô Dahka của Bangladesh nhằm phản đối điều kiện làm việc của người lao động.

Trong video, người phụ nữ dí sát điện thoại vào mặt dường như để tránh cho chủ lao động biết biết cô đang bí mật ghi hình việc kêu cứu.

Cô cho hay: "Họ đưa tôi từ nhà này tới nhà khác. Tại nhà đầu tiên, họ hành hạ và đánh tôi thường xuyên. Rồi tôi lại được đưa sang nhà khác và ở đó tôi cũng bị đánh đập như ở nhà đầu. Tôi sợ rằng mình sẽ chết. Họ đánh và hành hạ tôi. Xin hãy cứu tôi, hãy đưa tôi đi khỏi đây".

Nữ giúp việc trên hiện vẫn sống cùng chủ lao động người Ảrập Xêút tại Jeddah và điện thoại của cô đã bị tịch thu, một đại diện của BRAC - một tổ chức phi chính phủ ở Bangladesh hiện đang cố đưa người phụ nữ này về nước cho hay.

Kể từ năm 1991, khoảng 300.000 phụ nữ Bangladesh đã tới quốc gia vùng Vịnh này để làm việc, Bộ phúc lợi những người sống xa quê hương của Bangladesh cho hay.

Chính phủ Bangladesh hồi tuần trước kêu gọi cơ quan xuất khẩu nhân lực của nước này đưa người phụ nữ trên về nước nhanh nhất có thể. Gia đình của cô này tại Bangladesh cũng cho hay, họ đã cố đưa con em mình về nước nhưng không thể.

Đoạn video trên được công bố sau khi thi thể của lao động di cư Nazma Begum được đưa về nước hồi cuối tháng 10. Begum, 42 tuổi, trước khi chết đã gọi điện liên tục cho con trai để cầu cứu. Cô này cho biết bị hành hạ và sẽ chết vì không được chữa bệnh.

Được biết, cả hai người phụ nữ này đều được hứa đi làm trong bệnh viện nhưng sau đó bị lừa làm giúp việc.

Theo nhóm nhân quyền của người di cư Bangladesh là Ovibashi Karmi Unnayan Program, tháng trước 61% trong số 110 phụ nữ họ phỏng vấn sau khi về nước đã cho biết, đã bị đánh đập. Phần lớn số lao động này từ Ảrập Xêút trở về. Có 14% nói, họ bị lạm dụng tình dục.

BRAC, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, đóng ở Dhaka cho hay, chỉ trong năm nay, thi thể của 48 lao động nữ đã được đưa từ Ảrập Xêút về nước.

Hoài Linh