Thế hệ Millennials đang thay đổi quan niệm về không gian sống và nghỉ ngơi. Họ sống cùng nhau trong một mô hình mới là co-living, nơi tập trung những người có cùng sở thích và lối sống - với không gian chung được chia sẻ. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi co-living đang ngày càng phát triển.

Ở chung làm chung

 Thay vì sống trong các căn hộ độc lập khép kín, nhiều người trẻ lại chọn sống trong những căn phòng bé xíu chỉ có diện tích sàn 12m2. Phòng ăn cũng chính là nơi làm việc và trò chuyện trong khi hành lang có thể đóng thêm một vai trò khác là nơi tập yoga. Họ không hẳn đam mê nấu nướng, và hướng tới một không gian có thể chứa tất cả các tiện nghi. Đó là những gì mà thế hệ mới được gọi là Millennials đặt ra.

Millennials, là thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2000, một thế hệ lớn lên cùng với công nghệ, phương tiện truyền thông xã hội và nền kinh tế hội nhập. Họ có khả năng thích nghi cao và luôn sẵn sàng chia sẻ các tiện nghi với nhau.

{keywords}
Ăn chung ở chung là xu hướng mới của giới trẻ

 Họ không có khoảng cách giữa công việc và tận hưởng, làm và chơi. Họ không ngần ngại về những chuyến công tác, thường xuyên đi du lịch hoặc di chuyển nơi làm việc. Hơn bất cứ điều gì khác, họ luôn tìm kiếm sự trải nghiệm và hạnh phúc khi được hòa nhập vào cộng đồng.

Sở hữu căn hộ riêng không còn là tiêu chí của thế hệ này; thay vào đó là những hoạt động xã hội nơi họ có thể đi chơi và chia sẻ với những người có cùng quan điểm.

Thế hệ Millennials ở châu Á ngày càng chia sẻ nhiều hơn ngoài nơi làm việc và phương tiện di chuyển. Họ sống cùng nhau trong một mô hình mới là co-living, nơi tập trung những người có cùng sở thích và lối sống, theo báo cáo của JLL.

Không có gì ngạc nhiên khi co-living - một mô hình sống hiện đại với những không gian chung được chia sẻ - đang ngày càng gia tăng. Báo cáo cho thấy, co-living đang tăng trưởng ở châu Á, đặc biệt tại các thị trường như Hongkong và Trung Quốc, nơi mà nhà ở bình dân luôn là vấn đề nóng. Trong khi việc cùng thuê nhà giữa các sinh viên và giới trẻ rất thịnh hành ở nhiều quốc gia, thì sự chuyên nghiệp trong quản lý tạo ra sự khác biệt của co-living.

{keywords}
Chia sẻ không gian sống đang nở rộ

 Khi các thành phố trở nên dày đặc và đắt đỏ hơn, co-living sẽ giải quyết một số vấn đề xung quanh cuộc sống đô thị. Diện tích căn hộ ngày càng thu hẹp và giá thuê ngày càng tăng khiến cho người trẻ khó tìm chỗ ở. Hơn nữa, không phải lúc nào họ cũng cần thuê 12 tháng hoặc 24 tháng khi họ có thể phải di chuyển chỗ làm.

Đồng thời, con người ngày càng bận rộn, phần lớn thời gian rảnh là họ đi du lịch và ít tìm hiểu nhau. Việc quá phụ thuộc vào công nghệ và truyền thông xã hội khiến xu hướng cô đơn và cô lập của thế hệ Millennials ngày càng trầm trọng.

Những yếu tố như vậy đang thúc đẩy sự tăng trưởng của co-living. Đây là một cách tương đối rẻ tiền cho Millennials tìm và sở hữu không gian riêng cùng các tiện ích, nội thất chung và hòa mình vào cộng đồng.

Thích nghi với thế hệ mới

Mặc dù nhu cầu về căn hộ chung cư cao cấp hoặc căn hộ dịch vụ vẫn mạnh mẽ, đặc biệt đối với những hộ gia đình, nhưng không thể phủ nhận rằng thế hệ Millennials luôn mong muốn được chọn thành phố mà họ muốn sống và nơi ở của họ có thể đáp ứng nhu cầu. Co-living đang mang một thế hệ trẻ đến với nhau và tạo ra một môi trường mới cho thế giới mới nghị lực này.

Cuối năm ngoái, tập đoàn Ascott, thương hiệu kinh doanh căn hộ dịch vụ, đã ra mắt co-living mới với tên gọi là LYF, được thiết kế và quản lý bởi Millennials. Họ cũng hợp tác cùng Trường Đại học Quản lý Singapore (SMU) để thành lập mô hình cộng động dịch vụ đầu tiên ngay trong thành phố.

Họ dễ dàng thích nghi với cuộc sống mới

 Tại Trung Quốc, mô hình co-living xuất hiện vào năm 2012 với thương hiệu YOU+ International Youth Community cùng một vài nhà điều hành khác. Đến cuối năm 2016, đã có gần 90 thương hiệu trên khắp đất nước. Trong đó có thể kể đến là căn hộ Vanke Port với 60.000 căn, dự án được quản lý bởi một trong những nhà khai thác lớn nhất Trung Quốc. Còn YOU+ đã cán mốc phát triển 16 dự án, Mofang tăng trưởng lên 15.000 căn hộ, ZiRoom điều hành 7 dự án và Coming Space quản lý 10.000 căn hộ.

Nhu cầu co-living của thế hệ millennials tại Trung Quốc rất khổng lồ. Chỉ riêng trong năm năm qua, đã có 43 triệu sinh viên tốt nghiệp. Với mức giá nhà ở đắt đỏ tại thị trường cấp 1 và các thành phố cấp 2 của Trung Quốc, sinh viên sẽ mất ít nhất 3-5 năm để bắt đầu đi mua nhà, đồng nghĩa với việc họ phải đi thuê hoặc tìm phương án ngắn hạn. Do đó, co-living chắc chắn là một lựa chọn hấp dẫn, Joe Zhou, Giám đốc Nghiên cứu thị trường tại Trung Quốc của JLL, giải thích.

Thế hệ Millennials chiếm một phần tư trên tổng số khách hàng của Ascott. Con số này dự kiến tăng lên khi nhiều người trong số họ bắt đầu đi làm. Đến năm 2020, họ sẽ chiếm 50% lực lượng lao động toàn cầu theo nghiên cứu của PwC. Các chính sách dành cho nhân sự cũng đang thay đổi - họ sẽ hưởng chính sách như những chuyên gia nước ngoài; những người di chuyển chỗ làm cũng ngày càng trẻ hơn.

Nhu cầu co-living cũng tăng lên từ phía các doanh nghiệp. Các tập đoàn đa quốc gia và các nhà khởi nghiệp cũng cần co-living chất lượng cao và văn phòng đạt chuẩn cho đội dự án và tập sự của họ ở bất cứ đâu trên thế giới.

Trong khi khu vực châu Á đang khá phát triển mô hình này thì ở Việt Nam vẫn chưa có chủ đầu tư nào có ý định phát triển co-living. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, co-working bắt đầu hình thành tại Việt Nam là nền móng cho một tương lai co-living phát triển.

Nam Hải