Suốt 13 năm nay, Nhà máy Cán nóng thép tấm Cái Lân thuộc Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân (Khu công nghiệp Tàu thủy Cái Lân, phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) im lìm, không hoạt động.

Do bị bỏ hoang hơn 1 thập kỷ, máy móc ở đây đã hoen gỉ, xuống cấp trầm trọng và không còn khả năng sản xuất trở lại.

W-anh-1-1.jpg
Bên trong nhà máy cán thép nhếch nhác, đủ thứ vật dụng để không từ lâu.

Tất cả máy móc đều phủ lớp bụi dày, nguyên liệu chất đống ngổn ngang, các khu cầu thang lên tầng cao đều không còn đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, nhiều phần diện tích trong nhà máy đã được cho các đơn vị khác thuê lại để làm trạm trộn bê tông và kho chứa dăm gỗ.

W-anh-3-1.jpg
Băng chuyền trong nhà máy đã nằm im lìm từ 13 năm nay.

Khó có thể tưởng tượng ra cảnh hoang phế này bởi trước đó, nơi này từng được coi là đơn vị sẽ cung ứng thép tấm với số lượng lớn cho ngành đóng tàu Việt Nam.

"Từ khi tôi làm việc trong khu công nghiệp này, chưa từng thấy một công nhân nào làm việc trong Nhà máy Cán nóng thép Cái Lân. Nhà máy luôn cửa đóng then cài và không có tiếng máy móc hoạt động", anh N.T.D. (30 tuổi, công nhân tại Khu công nghiệp Cái Lân), cho biết.

W-anh-5-1.jpg
Mọi kết cấu máy móc đều hoen gỉ theo năm tháng.
W-anh-2-1.jpg
Không một bóng người bên trong nhà máy.
W-anh-15-1.jpg
Dù được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nhà máy cán thép bị bỏ hoang hơn một thập kỷ.

Mới đây, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ninh đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân. Đây là công ty trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC (tên mới của Vinashin sau tái cơ cấu).

Lý do là bởi doanh nghiệp này có số tiền quá hạn nộp, phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế, với số tiền bị cưỡng chế là hơn 4,1 tỷ đồng.

W-anh-7-1.jpg
Một phần bên trong nhà máy đã được cho đơn vị khác thuê để làm kho chứa dăm gỗ.

Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân được xây dựng trên diện tích 15ha, có tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng với các thiết bị như lò nung, máy cán, máy nắn, sàn nguội, máy cắt chiều dài và hệ thống xưởng bảo dưỡng.

W-anh-6-1.jpg
Hệ thống máy móc được đầu tư tiền tỷ nhưng không hoạt động, gây lãng phí.

Nhà máy thép chỉ vận hành thử một lần duy nhất vào giữa năm 2010, với khoảng 5.000 tấn thành phẩm rồi phải ngưng do công nghệ lạc hậu, không cạnh tranh được với thép nhập ngoại.

Hơn nữa, sau đại án xảy ra tại Vinashin, số phận Cán nóng thép tấm Cái Lân cũng điêu đứng theo. Nhà máy buộc phải dừng đốt lò, trong khi đã đầu tư đồng bộ trên 90% công năng sản xuất.

W-anh-9-1.jpg
Hệ thống máy móc sau thời gian dài bị bỏ hoang đã hoen gỉ, không khác gì phế liệu.
W-anh-13-1.jpg
Lớp bụi phủ dày trên mặt băng chuyền.
W-anh-12-1.jpg
Nhà máy Cán nóng thép tấm Cái Lân được xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng.
W-anh-10-1.jpg
Khu nhà điều hành đã xuống cấp và không một bóng người qua lại trong thời gian dài.
W-anh-11-1.jpg
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 15ha.
W-anh-14-1.jpg
13 năm qua, nhà máy luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.