Điều đáng bàn là phương thức đầu tư của các loại tiền ảo mới này dựa trên các loại tiền ảo đã có trước đây, điển hình là Bitcoin. Nhà đầu tư phải mua Bitcoin sau đó nạp vào tài khoản công ty phát hành để đổi lấy các loại tiền ảo kể trên. Việc này có thể hiểu là, các công ty trên dụ nhà đầu tư đổi tiền thật sang tiền ảo đã được khẳng định giá trị, sau đó lấy tiền ảo “xịn” này đổi sang tiền ảo “rác”. Kết thúc, các đối tượng sẽ ẵm trọn tiền ảo “xịn” rồi đánh sập sàn hoặc đưa giá trị tiền ảo “rác” tụt dốc, thậm chí đưa về 0% giá trị.
Tại Việt Nam, tiền ảo không được công nhận là phương tiện thanh toán hay hàng hóa hợp pháp. Nếu chấp nhận để nhà đầu tư mua tiền ảo bằng tiền đồng, hành vi trên có thể bị khép vào tội lừa đảo. Nhưng nếu lấy tiền ảo để mua tiền ảo thì sẽ không đủ căn cứ pháp lý để xử phạt. Đây là lỗ hổng lớn khiến gần đây các sàn giao dịch tiền ảo "rác" công khai kêu gọi nhà đầu tư.
Tháng 5-2020, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Nhưng từ việc nghiên cứu đến quản lý được các loại giao dịch này còn liên quan đến nhiều bộ, ngành khác và cần thêm thời gian. Thực tế, những vụ sập sàn tiền ảo rác thời gian qua cho thấy, loại hình đầu tư này là vô cùng rủi ro. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy tiền ảo, nay còn thêm biến tướng là tiền ảo “rác”.
(Theo Hà Nội Mới)