Mới đầu giờ sáng, một phụ nữ ở phường Tây Sơn, TP.Pleiku đã vội tới Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai trình báo việc mình vừa bị lừa 160 triệu đồng. Cách đây 2 ngày, chị nhận cuộc điện thoại thông báo được tặng một phần quà giá trị do trước đó mua hàng tại siêu thị điện máy.
Để được nhận quà, chị Th. tải app Telegram về điện thoại để liên lạc. Theo lời đối tượng, chị nhấn vào các đường link để chọn quà tặng, với mỗi lần từ 10.000 đồng đến 40.000 đồng. Khi đã tạo được lòng tin, đối tượng dẫn dụ chị chuyển số tiền lớn để đầu tư, lợi nhuận từ 40-60%. Trong ngày 11/5, chị đã có 10 lần sử dụng tài khoản riêng của mình để chuyển hơn hơn 160 triệu đồng vào 2 tài khoản, rồi mới phát hiện mình bị lừa.
“Lúc đầu nộp vào 4 triệu, hưởng tiền hoa hồng 2 triệu, rồi tăng dần lên. Trong vòng 1 ngày là mất 160 triệu rồi họ không chuyển lại. Dẫn dụ nói, cứ nộp tiền là ăn tiền hoa hồng và tăng dần lên. Khi không có khả năng nữa thì thôi. Lúc đó mình bị cuốn theo, mình không nghĩ nữa, cứ xoay tiền, vay mượn tùm lum nộp vào", chị Th.nói.
Thượng tá Trần Trọng Sơn - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, chị Th. không phải là nạn nhân duy nhất. Với cách thức này, đầu năm 2023, tại tỉnh Gia Lai đã có người bị lừa tới 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh chiêu thức lừa đảo mới, các chiêu thức cũ như giả danh công an thông báo vi phạm, dọa khóa sim, khóa tài khoản, gửi tiền để phục vụ điều tra; giả mạo người nước ngoài kết bạn, tặng quà; tuyển cộng tác viên bán hàng, chốt đơn hàng với hoa hồng lớn; kêu gọi đầu tư; cho vay tiền online… cũng được các đối tượng lừa đảo “cải tiến” nên vẫn có nhiều người dân mắc bẫy lừa.
Trong năm 2022, lực lượng an ninh mạng tỉnh Gia Lai, nhận được 124 tin báo về lừa đảo với tổng thiệt hại trên 40 tỷ đồng. Người bị lừa nhiều nhất là trên 10 tỷ đồng. Trong quý 1 năm nay, có 46 tin báo, với tổng thiệt hại gần 10 tỷ đồng. Thượng tá Trần Trọng Sơn cho biết, dù phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên tục thay đổi, nhưng nếu người dân cảnh giác thì sẽ hạn chế được loại tội phạm này.
“Khuyến cáo người dân phải bình tĩnh, không cung cấp thông tin cho đối tượng, hết sức cẩn thận trước những cuộc gọi có đầu số dấu cộng đằng trước hay những đầu số trong nước, hướng dẫn bấm tự động vào phím trên điện thoại. Khi sử dụng mạng xã hội thì hạn chế đăng video nói chuyện trên mạng xã hội, vì đối tượng muốn sử dụng công nghệ AI deepface thì phải thu được dữ liệu là khẩu hình miệng thì mới làm được điều này", Thượng tá Trần Trọng Sơn nói.
Theo Báo điện tử VOV