Những ngày này, cánh đồng dâu rộng hàng chục ha ở xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội) đang vào thời điểm chín rộ, trái dâu chuyển màu đỏ thẫm, căng mọng. Nông dân nơi đây tất bật thu hái quả. Thương lái chạy xe máy, xe ô tô ra vào nườm nượp để thu mua dâu rồi chở đi những nơi khác bán.
Là hộ có truyền thống trồng dâu tằm đã hơn chục năm nay, bà Đinh Thị Lan ở thôn Hiệp Thuận khoe, nhà bà có 7 sào dâu, tính ra khoảng 200 gốc. Vào vụ thu hoạch, dâu cứ hái đến đâu thương lái đã trực sẵn thu mua hết đến đó. Thậm chí, khách phải liên hệ đặt trước 1-2 ngày bà mới kịp hái để chuyển đi.
Bà Lan cho biết, từ giữa tháng 2 Âm lịch, trái dâu bắt đầu chín mọng, thời gian thu hoạch kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Năm nay dâu được mùa, giờ đang vào thời điểm chín rộ nên bà phải thuê thêm người để kịp hái giao cho các mối buôn.
Cánh đồng dâu đang vào đợt thu hoạch rộ |
Thời gian dâu chín rộ chỉ dao động trong 1 tháng, giá dâu lên xuống bấp bênh tùy thời điểm, dao động 16.000-25.000 đồng/kg. Bà Lan tiết lộ, trung bình mỗi ngày gia đình bà hái được 1-1,5 tạ dâu. Riêng những ngày chín rộ, bà hái bán khoảng 2 tạ dâu, thu về 2-3 triệu/ngày.
Thường thì 1 sào dâu cho thu hoạch khoảng 4 tạ. Với giá bán hiện tại, bà thu được khoảng 8-12 triệu/sào, ước tính vụ dâu này gia đình thu 50-60 triệu đồng.
“Trồng dâu phải có kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh đúng cách dâu mới chín ngon, sạch, cho quả mọng nước. Hàng đẹp nên lúc nào dâu nhà tôi cũng đắt như tôm tươi. Nhiều hôm không kịp hái bán, lượng tiêu thụ trong Nam ngoài Bắc đều tăng doi thời điểm này đang có dịch Covid-19 do vậy nhiều người mua dâu về ngâm nước uống bổ sung vitamin”, bà Lan nói.
Đang cặm cụi hái dâu để kịp cân buôn cho khách, chị Nguyễn Thị Khuyên ở thôn Hiệp Thuận phấn khởi chia sẻ: “Năm nay dâu được mùa, khách tới tận ruộng chờ mua dâu mà tôi không hái kịp. Tôi phải huy động các con ra phụ giúp, luôn chân luôn tay tranh thủ mùa vụ này để kiếm thêm”.
Những cành dâu sai trĩu, quả chín mọng |
Trồng dâu đã được 5-6 năm, nhà chị Khuyên vụ này thu được khoảng 1,5 tấn quả. Trong những ngày bận rộn này, gia đình chị thu khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Theo chị Khuyên, mùa thu hoạch dâu khá vất vả, phải đi hái từ sáng sớm đến chiều tối, tranh thủ hái xuyên trưa. Nhiều cây cao, chị phải bắc thang trèo lên mới trẩy được quả. Chưa kể, dâu là loại quả khi chín mọng rất dễ dập nát nên khâu thu hái và vận chuyển đòi hỏi phải nhẹ nhàng, cẩn thận.
Thời điểm này hàng năm, chị Lê Thu Hoài - đầu mối bán hoa quả trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đặt mua dâu tằm vùng Hiệp Thuận để về bán lẻ cho khách. Năm nay, dâu đẹp, cho quả mọng nên từ đầu vụ chị đã bán lên đến 1-2 tấn, nhất là khi dịch Covid-19 đang bùng phát, dâu đắt khách hơn mọi năm.
Người dân thường mua về làm siro, rượu thuốc, nước ép, làm mứt,... nên mỗi người thường mua 2-3kg, có người mua tới 5kg một lúc.
“Tôi phải đặt trước 1-2 ngày nhà vườn mới hái kịp, mỗi lần chỉ gom được 2-3 tạ dâu. Đặc biệt, phải chọn quả dâu chín chuyển sang màu đỏ đen. Vì dậu chín ở độ này ăn ngọt, không bị dập nát khách mới chuộng mua”, chị nói. Hiện chị bán lẻ dâu với giá 40.000 đồng/kg, có nhiều hôm mới đầu giờ chiều đã cháy hàng.
Người dân trong xã đang tập trung thu hái dâu |
Có những gia đình phải thuê thêm người để kịp thu hái bán cho thương lái |
Hiện giá dâu chín dao động từ 14.000-25.000 đồng/kg tùy loại |
Năm nay dâu được mùa, trái đẹp, có những gia đình thu hoạch được tới vài tấn dâu |
Mùa thu hoạch dâu chỉ trong vòng 1 tháng |
Thương lái tới tận ruộng cân mua dâu. Nhiều gia đình thu được 50-60 triệu đồng/vụ dâu chín. |
Nhật Thanh