Lo lắng tìm chỗ học
So với năm ngoái, “cuộc đua” vào lớp 10 năm nay có phần căng thẳng hơn khi dự kiến có khoảng 110.000 thí sinh tham gia tìm "vé" vào cánh cổng trường công lập, tăng khoảng 4.000 em so với năm trước. Năm học 2024-2025, các trường THPT công lập tuyển khoảng 81.000 học sinh vào lớp 10 còn 51.000 học sinh phải có lựa chọn khác.
Trước áp lực quá lớn của kỳ thi, thời điểm này, chị Ngân Hà (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã cuống cuồng đi tìm chỗ học cho con nếu không may trượt lớp 10 công lập.
“Trượt lớp 10 công lập, chỉ còn một số lựa chọn như học trường tư, học nghề hoặc trung tâm GDTX. Kinh tế cũng khá ổn định nên tôi tìm một số trường tư cho con. Thế nhưng, chấp nhận bỏ tiền cho con học trường tư nếu trượt lớp 10 công lập cũng không hề đơn giản”, chị Hà cho hay.
Theo nữ phụ huynh, chị có gọi tới một trường tư tại quận Cầu Giấy. Trường này có chỉ tiêu 675 học sinh nhưng thời điểm này đã nhận tới 3.000 hồ sơ nên sẽ không nhận thêm nữa. Một số trường tư khác cũng cho biết đã nhận đủ lượng hồ sơ.
“Trường tư không nhận hồ sơ, cho con học nghề, tôi chưa biết con thích gì để định hướng. Vì vậy, chúng tôi cũng đang trước ngưỡng cửa không biết cho con học gì nếu trượt lớp 10 công lập”, chị Hà nói.
Hai vợ chồng đều làm công nhân tại cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm, kinh tế cũng không khá giả là bao nên chị Thu Hương cho biết, nếu con trượt lớp 10 công lập sẽ không đủ khả năng cho học trường tư. Họ sẽ cho con đi học tại trường cao đẳng nghề với hệ 9+ vừa học văn hóa vừa học nghề.
“Tôi tìm hiểu được biết một số trường cao đẳng nghề đào tạo những nghề khá hot hiện nay như công nghệ ô tô, thẩm mỹ. Trong đó, chỉ cần nộp học phí học văn hóa còn chi phí học nghề sẽ được nhà nước chi trả. Vì vậy nếu trượt, con tôi sẽ tham gia học nghề theo đúng sở thích về nghề nghiệp”, nữ phụ huynh cho hay.
Lựa chọn nào cho thí sinh?
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết, vì nhiều yếu tố nên hiện nay các cơ sở giáo dục công lập chưa đáp ứng hết nhu cầu của học sinh. Nếu không vào lớp 10 công lập, các em còn nhiều lựa chọn như học tại hệ thống ngoài công lập, trung tâm GDTX... các trường hoàn toàn đủ khả năng đào tạo.
“Việc không may trượt lớp 10 công lập là điều hoàn toàn bình thường. Mỗi học sinh cần chuẩn bị tâm lý. Nếu kết quả thi không mong muốn, các em hãy tìm hiểu các trường ngoài công lập, mô hình 9+, 10+ hoàn toàn có thể tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ. Việc của các em là tự tin và làm thật tốt trong khả năng của mình”, thầy Cường nói.
Lâu nay, nhiều phụ huynh và thí sinh vẫn chưa có thiện cảm với việc học nghề, đa số đều có nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Theo một số chuyên gia, việc học nghề tại các trường nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng là một trong những lựa chọn tốt với thí sinh.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho hay, thực tế, học sinh tốt nghiệp THCS đều có nhu cầu học lớp 10 công lập. Trong khi, Hà Nội là thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh nên số trường THPT công lập không đáp ứng hết nhu cầu.
"Học sinh trượt lớp 10 công lập có thể học trường ngoài công lập hoặc trường quốc tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng chọn con đường học tập nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu.
Phụ huynh phải xác định con học để làm gì? Học để cho con có việc làm phù hợp với năng lực cũng như sở thích, sở trường, phụ huynh sẽ định hướng đúng cho con mình”.
Cũng theo ông Ngọc, nếu trượt lớp 10 công lập, học nghề cũng là một lựa chọn. Thậm chí, ở trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, có nhiều em lớp 9 với lực khá cũng lựa chọn học nghề.
“Ưu điểm của mô hình này là thời gian học ngắn. Cùng tốt nghiệp lớp 9, một em học THPT công lập, em còn lại học nghề trong trường cao đẳng, sau 3 năm, cả hai em nhận bằng tốt nghiệp THPT giống nhau.
Thế nhưng, em học trường nghề được có thêm 1 bằng trung cấp nghề. Tính về kinh tế chi phí học tập và thời gian học đều có lợi hơn.
Bởi lẽ, học nghề được Nhà nước hỗ trợ học phí, được ưu tiên tiếp cận nghề sớm. Ngoài ra, theo quy định của học GDTX bậc THPT các em học 7 môn, học THPT công lập, học nhiều môn hơn.
18 tuổi các em có thể đi làm ngay theo luật lao động học hoặc học 1 năm nữa được thêm 1 bằng cao đẳng chính quy”.
Một số trường đào tạo nghề, hiện nay có chính sách cam kết việc làm, nhiều em được doanh nghiệp hỗ trợ hoàn toàn học phí và khi ra trường có việc làm ngay.
“Đó chính là mô hình đặt hàng của doanh nghiệp với những ngành như công nghệ cơ khí, công nghệ hàn, công nghệ ô tô... có cả doanh nghiệp ở nước ngoài.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, sinh viên còn còn cơ cơ hội theo học tại ĐH Minh Tân (Đài Loan, Trung Quốc), một số trường đại học ở Nhật Bản một năm và được các đại học này cấp bằng chính quy. Trong suốt thời gian học, các em được tài trợ chi phí ăn ở, sau khi tốt nghiệp cam kết với mức lương 20-30 triệu đồng/tháng.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải - giáo viên dạy văn tại Hà Nội, cũng thừa nhận, nhiều học sinh và phụ huynh cũng có chung tư tưởng trượt lớp 10 công lập là hết, đây là quan niệm sai lầm.
"Các trường ngoài công lập hay đào tạo nghề hiện nay rất nhiều, được đầu tư cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên có trình độ. Nếu tài chính gia đình cho phép có thể theo trường tư hoặc vào trường nghề cũng là lựa chọn khá ổn. Đặc biệt, trường nghề sẽ giúp các học sinh có cơ hội tiếp xúc với nghề nghiệp sớm hơn, cơ hội việc làm cũng rộng mở”.
Dưới đây là những chỗ học gợi ý cho học sinh nếu không giành suất vào lớp 10 trường công lập:
>>>Tra cứu điểm thi vào lớp 10 năm 2024 nhanh trên VietNamNet<<<