Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, nội dung quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Hyeon White được đăng tải trên hàng loạt phương tiện, như website: 123requare.com; hangtindung.com; hyeonlabhcm.vn và và https://www.facebook.com/pg/vienuongtrangda0966133951/posts/.
Nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống Hyeon White trên các trang trên vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Theo Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm này do Công ty CP Dược phẩm Oshii (Địa chỉ: Lô CN 3.2 khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) sản xuất và Công ty CP Thương mại quốc tế Hyeon Lab Việt Nam (Địa chỉ: Thôn Thanh Vân, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Viên uống trắng da cao cấp Hyeon White được quảng cáo với hàng loạt công dụng như làm trắng da từ sâu bên trong, khắc phục và ngăn ngừa nám - tàn nhang, cải thiện tình trạng đen và sạm da, giúp ngủ ngon, điều hòa kinh nguyệt, giảm tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ…
Hiện Cục An toàn Thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn Thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Theo quy định tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, việc quảng cáo thực phẩm chức năng dưới dạng liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
Cùng đó, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: Quảng cáo thực phẩm chức năng phải khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc... Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Mặt khác, Luật Dược số 105/2016/QH13 cũng nghiêm cấm: Việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.
Minh Tú