- Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) trao đổi về chủ trương phân luồng trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa trình Chính phủ xem xét.
Ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết: Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ không phải là điều kiện cần và đủ để giải quyết bài toán phân luồng mà chúng ta đặt ra lâu nay nhưng chưa giải quyết hiệu quả.
Có thể xem cơ cấu hệ thống là một trong các điều kiện cần thiết, quan trọng để hình thành các “luồng" cho học sinh (HS) theo nhu cầu học tập suốt đời, năng lực, điều kiện bản thân để hoàn thiện trình độ học vấn, tay nghề với hy vọng cải thiện cơ hội việc làm và có thu nhập.
Ông Hoàng Ngọc Vinh |
Nếu nói phân luồng theo thị trường lao động thì theo UNESCO trong tài liệu phân loại các tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục (ISCED 2011) thì chỉ có một nhánh phân luồng sớm ra thị trường lao động mà không rõ là phân luồng theo nhóm kỹ năng nào thị trường lao động cần, do không thể dự báo được nhu cầu chính xác và do bản chất thay đổi, biến động của thị trường lao động.
Vì thế đòi hỏi cơ cấu hệ thống giáo dục vốn ổn định giúp phân luồng theo thị trường lao động luôn biến động sẽ không làm được.
Kinh nghiệm cho hay, ở địa phương nào cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc cùng với sự năng động của cán bộ lãnh đạo nhà trường và đội ngũ giáo viên, có sự hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp, phối hợp giữa cơ sở giáo dục phổ thông và đào tạo nghề...thì ở đó sự phân luồng diễn ra khá tốt.
Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm của thế giới như thế nào trong thiết kế thời gian đào tạo đối với học sinh từ tiểu học lên THPT?
- Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam cũng tham khảo nhiều quốc gia trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến và đã thể hiện ở cơ cấu hệ thống.
Nhưng chúng ta cần nhìn rõ hơn yếu tố thị trường lao động cũng như cấu trúc, điều kiện của nền kinh tế, mối quan hệ giữa ngành kinh tế với GD-ĐT, cũng như các chính sách phát triển bền vững đất nước ảnh hưởng đến chính sách GD-ĐT.
Chúng ta muốn làm như các nước tiên tiến nhưng chịu ràng buộc ở điều kiện văn hóa, tài chính cho giáo dục.
Lấy ví dụ ở 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, chi phí trung bình một năm cho một người học nghề ban đầu năm 2006 lên đến 6.985 EUR. Đến năm 2009 con số này là 8.098 EUR, liệu chúng ta có thể theo được các quốc gia đó không với điều kiện tài chính cho giáo dục như hiện nay?
Chính một số chuyên gia Ngân hàng thế giới khuyến cáo các quốc gia đông dân khi việc làm thiếu và chưa dự báo tốt nhu cầu thị trường lao động, thì các chính phủ nên tập trung giáo dục phổ thông có chất lượng để tạo nền tảng cho người lao động tương lai có năng lực học tập suốt đời, dễ đào tạo khi thị trường lao động thay đổi.
Việc tuyển dụng hàng chục ngàn lao động hầu hết tốt nghiệp THPT được đào tạo kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp high-tech thuộc Công ty Điện tử Samsung có thể xem là ví dụ để góp phần hình thành chính sách phân luồng.
Một điểm lưu ý là công tác phân luồng nếu chỉ chú ý đến các mục tiêu bằng cấp dựa theo cơ cấu hệ thống giáo dục và coi cơ cấu hệ thống là điều kiện cần và đủ cho việc phân luồng thì chúng ta sẽ lặp lại "vết xe đổ" trước đây.
Vì thế, Bộ GD-ĐT luôn quan niệm phân luồng vì việc làm (hình thành năng lực nghề nghiệp) và vì thu nhập của người lao động thì khi đó hệ thống của chúng ta sẽ mở hơn - nghĩa là phải đào tạo hướng đến trình độ bằng cấp và đào tạo kỹ năng.
Với phương án này, Bộ sẽ có bước đi tiếp theo như thế nào để đảm bảo phân luồng thành công?
- Với tư cách là cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho Đảng và nhà nước về chính sách, chiến lược phát triển giáo dục, và qua kinh nghiệm thực tế trong, ngoài nước, Bộ đã phân tích tất cả các yếu tố, nguyên nhân và rút ra những bài học về công tác phân luồng.
Định hướng đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục có một phương châm chỉ đạo xuyên suốt là hình thành năng lực cho người học, tiếp cận theo kết quả hình thành năng lực ở đầu ra của quá trình.
Vì thế giáo dục cơ bản 9 năm sẽ giúp cho người học có được kiến thức, kỹ năng nền tảng để đi theo những con đường học tập và lao động khác nhau. Tất nhiên, cá biệt vẫn có những HS năng khiếu sau tiểu học đã vào các trường năng khiếu nghệ thuật như hiện nay vừa học văn hóa vừa học các kỹ năng đáp ứng nhu cầu và phát triển tiềm năng của các em.
Nhưng, nếu chỉ mình Bộ GD-ĐT sẽ không làm nổi công tác phân luồng nếu không có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các Bộ ngành, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội cũng như toàn xã hội.
Chúng ta không thể giải quyết bài toán phân luồng thành công với nhiều ẩn số bằng công cụ giản đơn được. Cơ cấu hệ thống giáo dục chỉ nên xem là một trong những điều kiện cần thiết để đóng góp vào quá trình phân luồng và học suốt đời cho người học.
Để thành công còn rất nhiều yếu tố thiết yếu khác từ điều kiện kinh tế, tài chính đến thay đổi nhận thức của xã hội với học nghề, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống và sự tham gia của các doanh nghiệp đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và một thế giới việc làm đầy biến động.
Việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ 4-6 năm xuống 3-4 năm dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
- Việc đề xuất rút ngắn thời gian đào tạo là hợp với xu thế chung của thế giới và nâng cao hiệu quả đào tạo hiện nay ở Châu Âu theo tiến trình Bologna (sáng kiến cải cách giáo dục đại học của các nước Châu Âu bắt đầu vào năm 1999) thì thời gian đào tạo ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ theo thứ tự là 3, 5, 8 năm kể từ sau khi tốt nghiệp THPT.
Các nước đang điều chỉnh dần theo khung này. Tất nhiên phải có lộ trình. Ngay cả những nước EU đến nay vẫn chưa thực hiện đúng khung đó.
Như vậy khung thời gian này là hướng mà các chương trình đào tạo sẽ hướng tới để tạo nên sự thống nhất tương đối trình độ, chương trình đào tạo chung.
Hiện nay các trường áp dụng hệ thống đào tạo tín chỉ nên có những sinh viên đã có thể tốt nghiệp đại học trong thời gian 3 năm. Vì vậy cơ cấu hệ thống của ta đề nghị GDDH từ 3-4 năm là theo tinh thần đó.
- Cảm ơn ông!
- Văn Chung (Email: [email protected])
XEM THÊM