Bệnh nhân B.T.H (3 tuổi, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng bỏng toàn bộ kết mạc, giác mạc do hóa chất tẩy rửa. Theo người nhà bệnh nhân, trong lúc chơi đùa, anh trai đã lấy chai tẩy rửa đa năng xịt vào mặt cháu bé này.
Khi vào viện, bệnh nhân tỉnh nhưng kết mạc, giác mạc bên phải bị bỏng. Sau khi được sơ cứu, cháu bé được chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Các bác sĩ nhận định nguy cơ bị hỏng giác mạc là rất lớn.
Ngoài nước tẩy rửa đa năng, nước tro tàu, nước tẩy nốt ruồi, thuốc trừ sâu, sản phẩm thông tắc bể phốt… cũng gây ngộ độc, tai nạn thương tích cho trẻ em nếu người lớn bất cẩn trong việc bảo quản, sử dụng. Ở độ tuổi dưới 14, trẻ thường cầm nắm các đồ vật trong tầm tay, nghĩ các chai lọ là nước uống nên tò mò, nhầm lẫn sử dụng.
Từ những sự việc đáng tiếc đã xảy ra, người lớn cần để các loại thuốc, hóa chất gia dụng ở những nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ. Với những hóa chất có độc tính cao như dung môi pha sơn, các loại thuốc diệt côn trùng… cần để ở những nơi riêng biệt, khóa cẩn thận.
Các gia đình không nên dùng chai đựng nước uống để đựng hóa chất và cũng không nên dùng chai đựng hóa chất trước đó để đựng nước. Để bảo đảm an toàn, người lớn không để bất cứ loại hóa chất nào trong khu vực trẻ em hay vui chơi, qua lại.
Bên cạnh việc không để trẻ tự chơi một mình, người lớn cần hướng dẫn, theo dõi, ngăn cấm trẻ không được đến những nơi có chứa hóa chất. Quá trình sử dụng, các gia đình nên ưu tiên mua những sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc thiên nhiên, ít độc hại.
Nếu gặp trường hợp không may bị thương do hóa chất, người chứng kiến cần nhớ các bước sơ cứu.
Trước hết cần nhanh chóng tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng. Sau khi cởi bỏ quần áo, giày dép hoặc đồ trang sức có tiếp xúc với hóa chất, người sơ cứu cần rửa sạch vùng da bị bỏng dưới nước vòi nước lạnh ít nhất 10-20 phút. Đối với hóa chất khô, dạng bột cần lau sạch hóa chất trước khi rửa da dưới vòi nước (cần mang găng tay hoặc dùng vật dụng thích hợp khi thực hiện). Nếu hóa chất tiếp xúc với mắt, hãy rửa mắt liên tục trong ít nhất 20 phút trước khi đến bệnh viện.
Khi sơ cứu, cần băng vết bỏng bằng vải sạch hoặc gạc vô trùng không dính bông mịn. Chỉ cần quấn nhẹ, không siết chặt để tránh gây tổn thương thêm.
Ngoài ra, cần lưu ý việc bù nước và điện giải cho nạn nhân sau khi bị bỏng. Nếu vết bỏng nhẹ và không sâu, nạn nhân không nhất thiết đến các cơ sở y tế, có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn tại nhà để điều trị.
Nếu vết bỏng nặng, sau khi được sơ cứu bỏng hóa chất, nạn nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất.