Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 45 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 46 nạn nhân, giảm 2 vụ, 7 nạn nhân, 26 đối tượng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nhóm các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục chiếm cao nhất với 40 vụ (hơn 88,8%). Ngoài ra là các hành vi liên quan đến bạo lực, bạo hành; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt, bắt cóc; các hành vi khác.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý hình sự 27 vụ/31 đối tượng; xử lý hành chính 1 vụ/1 đối tượng, tiếp tục điều tra 17 vụ/17 đối tượng.
Theo Trung tá Phạm Thành Trung, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, nguy cơ xâm hại trẻ em qua mạng xã hội dự báo sẽ tăng do có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, tái diễn nhiều lần với nhiều nạn nhân nhưng rất lâu sau đó mới được phát hiện.
Đặc biệt, đã xuất hiện các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em qua mạng xã hội. Trong đó, thủ đoạn chính của các đối tượng là lập phòng “chat” ảo, game online, lập diễn đàn trên các trang web, mạng xã hội để thu thập thông tin cá nhân riêng tư của các trẻ em.
Theo đó, một số đối tượng tạo ra những thông tin ảo trên các trang web, mạng xã hội như: tên, tuổi, hình ảnh, địa chỉ, nghề nghiệp, cuộc sống khá giả, giàu sang của mình để dễ dàng tiếp cận, làm quen, đánh vào tâm lý, điểm yếu của trẻ, kết bạn với hình tượng dễ gần và thân thiện, có học thức, có thu nhập, tỏ ra chu đáo, từng trải, biết chia sẻ, hiểu tâm lý và sở thích của trẻ bằng sự trải đời của mình, khiến trẻ em tin tưởng, thậm chí coi như thần tượng…
Thông qua hình tượng này, các trẻ dần phụ thuộc, coi đối tượng như nơi nương tựa tinh thần, sau đó đối tượng lừa gạt dụ dỗ trẻ em nhằm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, môi giới mại dâm, mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động...
Phòng Cảnh sát hình sự cũng cảnh báo một số đối tượng lấy hình ảnh giả là người cùng giới, cùng tuổi với trẻ thông qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber, Wechat, Whatsapp, Twitter, Instagram, Telegram… để tiếp cận làm quen.
Qua một thời gian trò chuyện về sở thích, học hành… các đối tượng chuyển sang trò chuyện về giới tính, muốn trao đổi hình ảnh những bộ phận nhạy cảm cho nhau, đề nghị trẻ chụp hình ảnh nhạy cảm của mình để gửi cho chúng.
Sau khi đã có được một số hình ảnh của trẻ, chúng lộ nguyên hình là đối tượng phạm tội, ép buộc trẻ phải cho quan hệ tình dục (kể cả cưỡng đoạt tài sản), nếu không sẽ phát tán những hình ảnh đó trên các trang web, mạng xã hội.
Đặc biệt, có trường hợp đối tượng với chiêu bài gạ gẫm, dụ dỗ trẻ em bằng vật chất, tài khoản game ảo nâng cấp… với điều kiện trẻ phải gửi hình ảnh khỏa thân, video clip nhạy cảm của mình cho chúng hoặc hẹn đến nơi kín đáo do chúng chọn để chụp ảnh, sau đó thực hiện các hành vi như: xâm hại tình dục, cưỡng đoạt tài sản, môi giới mại dâm hoặc mua bán người vì mục đích mại dâm…
Để phòng ngừa tình trạng xâm hại trẻ em, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cường các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống các loại tệ nạn xã hội, nhất là các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội địa phương xây dựng nhiều mô hình “Phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục,” “Phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, mua bán"... nhằm tuyên truyền, phổ biến các chương trình phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em qua mạng xã hội.
Bên cạnh đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay, cần nhiều hơn nữa chiến lược truyền thông, đặc biệt là trong trường học, để trẻ nhận thức được về an toàn mạng, các hành vi xâm hại tình dục và biện pháp phòng chống.
Thanh Minh