Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình cho biết thời gian gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi tai nạn do pháo nổ.
Mới nhất, đầu tháng 12, bệnh nhi sinh năm 2019 ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình, nhập viện do tai nạn sau vụ nổ nơi làm pháo trái phép. Trước khi nhập viện bệnh nhân được xử trí sơ cứu tại chỗ và tại trạm y tế rồi được chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình.
Tại đây, bệnh nhân tỉnh táo, các vết thương chảy máu rải rác toàn thân. Các bác sĩ điều trị truyền dịch, giảm đau cho bệnh nhân và theo dõi liên tục. Trước đó, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình đã tiếp nhận 2 ca tổn thương và bỏng giác mạc do pháo nổ gây ra.
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng mới phát đi cảnh báo nguy cơ tai nạn thương tích với trẻ em khi tự chế pháo tại nhà.
Giữa tháng 11, bệnh nhi N.H.C (14 tuổi) được người nhà đưa vào viện vì bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ. Theo người nhà bệnh nhi kể lại, bệnh nhi mua pháo trên mạng internet về tự chế dẫn đến tai nạn. Kết quả chụp X-quang tại bệnh viện cho thấy bàn tay phải của bệnh nhi C. bị gãy nền đốt bàn tay I, gãy nền đốt ngón tay V, gãy đốt 2 và ngón III.
Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương cho bệnh nhi. Trong quá trình phẫu thuật cho nhiều tổn thương ở bàn tay bé C., các bác sĩ phải đặt sonde dẫn lưu để khâu 15 mũi trên bàn tay bệnh nhân.
Dù ca mổ đã thành công nhưng các bác sĩ cho biết bệnh nhi sẽ phải chịu những di chứng để lại cho bàn tay phải về sau. Đồng thời, bệnh nhi phải trải qua vài cuộc phẫu thuật nữa để tháo phương tiện kết xương cũng như sửa chữa các di chứng khác của bàn tay.
Tại Thái Nguyên, Bệnh viện A Thái Nguyên đầu tháng 11 tiếp nhận bệnh nhi N.Q.H (11 tuổi) bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ, đa tổn thương vùng đầu, mặt, cổ, bàn chân…
Kết quả lâm sàng cho thấy vùng mặt, vùng ngực, mông đùi hai bên của bệnh nhi có nhiều vết thương, mắt phải xung huyết. Tổn thương pháo còn gây khuyết phần mềm mu bàn chân phải lộ gân, gãy đốt bàn ngón V chân phải, gãy đốt gần ngón V chân phải, vỡ xương gót do sức ép của chất nổ.
Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương vùng trán, gò má 2 bên, cằm, cổ, ngực, mông phải, tiến hành làm sạch dị vật dạng thủy tinh vỡ và khâu vết thương. Đồng thời, tiến hành nối gân duỗi, băng ép cầm máu mu chân phải và nắn, bó bột gãy xương chân phải cho bệnh nhi.
Bệnh nhi ngoài ca mổ cấp cứu sẽ có 1 ca mổ tạo hình ghép da khuyết phần mềm bàn chân, ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mĩ và chức năng bàn chân.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Mạnh Trường, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho hay tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, có thể gây ra tổn thương nặng nề như đứt ngón tay, mù mắt, điếc, bỏng…, tàn phế, thậm chí là ảnh hưởng tính mạng. Đặc biệt vào dịp cuối năm, có rất nhiều các địa chỉ bán vật liệu pháo nổ bất hợp pháp trên mạng internet.
Cũng theo các bác sĩ, trẻ vị thành niên thường tò mò, có thể làm theo hướng dẫn trên các trang mạng, tự chế tạo làm pháo bằng diêm hoặc bằng một số chất dễ gây cháy nổ rất nguy hiểm, khi pháo nổ sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, thường gặp ở các vị trí đầu, mặt, cổ, tay, chân… có thể gây phù nề, cản trở hô hấp, trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp.
Bỏng vùng mặt cổ có thể để lại di chứng về thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Đã có không ít những trường hợp đáng tiếc gây tàn tật, thậm chí là tử vong do pháo. Vì thế, nhà trường và gia đình nên tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ, giáo dục và phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.
Bác sĩ khuyến cáo thêm, khi trẻ bị bỏng pháo nổ, nếu bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt đắp vào mặt, nếu bị bỏng ở người, chân, tay… thì cần ngâm bộ phận bị bỏng vào trong nước mát hoặc xả nhẹ vòi nước sạch vào vùng bỏng ít nhất khoảng 15 phút. Việc này có tác dụng làm giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn cho trẻ.
Nếu quần áo dính vào vết bỏng thì tuyệt đối không được tìm mọi cách để gỡ ra vì sẽ làm rách vùng da bị bỏng, gây khó khăn cho quá trình trị liệu về sau.
Không được bôi hóa chất (dầu gió, nước vôi), kem đánh răng, nhựa chuối, nước mắm, mỡ trăn và đặc biệt là thảo dược không rõ nguồn gốc vào vùng bị bỏng vì có thể sẽ khiến trẻ bị nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng hơn.
Nếu bị bỏng ở mắt do hóa chất bắn vào thì phải rửa mắt ngay bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất càng sớm càng tốt, sau đó dùng vải mỏng băng mắt lại và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.