"Nếu không đưa được các dự án trọng điểm phía Nam đúng tiến độ thì thiếu điện cục bộ sẽ xảy ra", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cảnh báo tới EVN tại hội nghị tổng kết sáng 4/1.
Ông phân tích: Theo Quy hoạch điện 7, năm 2020, tổng công suất nguồn của hệ thống điện quốc gia cần đạt 60.000 MW, tới năm 2025 là 90.000 MW, tới năm 2030 là 130.000 MW. Hiện nay, tổng công suất nguồn toàn hệ thống mới có 45.000 MW, nghĩa là, tốc độ tăng trưởng nguồn điện để đáp ứng nhu cầu điện cho đời sống, sản xuất và nền kinh tế giai đoạn tới là vô cùng lớn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017 của EVN |
Nguồn thuỷ điện được coi là hiệu quả nhất hiện nay ở Việt Nam đã hết. Công suất nguồn thuỷ điện hiện nay là khoảng 20.000 MW, chiếm 40% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Đến năm 2020, thuỷ điện chỉ còn chiếm 30%, năm 2025, chiếm 25% và đến năm 2030, nguồn năng lượng này chỉ còn chiếm có 10% tổng công suất nguồn điện quốc gia.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta bắt buộc phải phát triển các nguồn điện thay thế nhưng việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể triển khai trên quy mô lớn do chi phí quá cao. Nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy than, chạy khí vẫn là nguồn điện chủ lực trong giai đoạn từ nay đến 2030 và có thể những năm sau đó.
Với một cơ cấu nguồn đầy khó khăn như vậy, thách thức mà ngành điện phải giải quyết: vừa phải tăng trưởng nguồn để đáp ứng nhu cầu, vừa phải đầu tư công nghệ điện sạch, chi phí cao hơn, nhưng vẫn phải phù hợp với sức chi trả của nền kinh tế. Thách thức lớn thứ hai là sự mất cân đối nguồn cung theo vùng miền của hệ thống điện hiện nay. Trong tổng số 192 tỷ kWh điện sản xuất, mua ngoài hiện nay, miền Bắc, miền Trung dư thừa điện trong khi miền Nam lại thiếu điện trầm trọng.
Cụ thể, nguồn điện miền Bắc cung cấp được 95 tỷ kWh nhưng chỉ tiêu dùng 75 tỷ kWh. Miền Trung cung cấp được 32 tỷ kWh nhưng chỉ tiêu dùng khoảng hơn 17 tỷ kWh, còn khu vực miền Nam, tiêu dùng tới 85 tỷ kWh, chiếm gần 50% tổng nhu cầu điện cả nước, nhưng chỉ sản xuất tại chỗ được 70 tỷ kWh. Đó là lý do mà năm 2017 và các năm trước, đường dây 500kV Bắc- Nam luôn phải truyền tải điện công suất cao từ Bắc vào Nam.
Năm 2017, sản lượng điện truyền tải từ Bắc, Trung vào miền Nam đạt trên 21,6 tỷ kWh, tương đương 23% nhu cầu điện miền Nam, tăng tới 46% so với năm 2016. Công suất truyền tải lớn nhất trên hệ thống đường dây Trung- Nam trên 4.600 MW.
Phó Thủ tướng nhìn nhận hoặc phải cơ cấu lại các nguồn trong từng khu vực phù hợp với nhu cầu phụ tải của khu vực, hoặc phải có hệ thống truyền tải kết nối. Tuy nhiên, hệ thống đường dây của ta truyền tải điện từ Bắc vào Nam đã "hết" rồi, nếu tăng công suất truyền tải nữa thì không đảm bảo an toàn được. Ông nói: "Nguy cơ năm 2018, nếu không đưa được các dự án trọng điểm phía Nam đúng tiến độ thì thiếu điện cục bộ sẽ xảy ra".
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho hay, trong năm 2017, một số nhà máy nhiệt điện đã vận hành không ổn định như Nhiệt điện Duyên Hải 1, nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Phú Mỹ 1. Đặc biệt, tiến độ các nguồn còn bị chậm so với kê hoạch như Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, nhiệt điện Thái Bình, thuỷ điện sông Bùng 2.
Trong năm 2017, EVN đã đưa vào phát điện 9 tổ máy với tổng công suất 2.135 MW, cao hơn 500MW so với kế hoạch gồm nhiệt điện Vĩnh Tân 4, nhiệt điện Thái Bình, thuỷ điện Trung Sơn và thuỷ điện Thác Mơ mở rộng. EVN đặt mục tiêu năm 2018 sẽ đưa vào phát điện 2 dự án tổng công suất 760 MW, khởi công 2 dự án và cam kếtt đảm bảo tiến độ thi công các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, thuỷ điện Đa Nhim mở rộng đáp ứng mục tiêu phát điện năm 2019.
Phạm Huyền