Chiều ngày 14/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bộ phận không khí lạnh mạnh ở phía Bắc đã báo đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, đêm 15 và ngày 16/12, khu vực Bắc Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có giông.
Đáng lưu ý, ngày và đêm 16/12, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ chiều tối và đêm 16/12, khu vực Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo các chuyên gia khí tượng, trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Lũ quét là một loại hình của lũ đặc biệt lớn, xảy ra bất ngờ trên các sông, suối tại miền núi, trung du và duy trì trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo Tổng cục khí tượng thuỷ văn, nguyên nhân chính gây ra lũ quét thường là mưa lớn với cường độ cao. Tuy nhiên, lũ quét chỉ thực sự nguy hiểm khi xảy ra ở lưu vực có sườn núi dốc, địa hình bị chia cắt mạnh mẽ tạo thành các hẻm, vực sâu, lớp phủ thực vật thưa bị phá hủy bừa bãi.
Ngoài ra, lưu vực các sông suối có mặt lưu vực bị phong hóa mạnh, kết cấu kém cũng dễ xảy ra lũ quét.
Đặc điểm chính của lũ quét là chứa một lượng vật rắn rất lớn, thường là bùn, đá... nên còn được gọi là lũ bùn đá, rất hay xảy ra ở nước ta. Lũ quét thường xảy ra nhất vào ban đêm và sáng sớm, kéo dài từ 3 - 6 tiếng trong các tháng mùa lũ.
Ngoài ra, cũng có thể bắt gặp các loại hình khác của lũ quét, như lũ quét nghẽn dòng, lũ quét do vỡ đập, đê, hồ chứa...
Các chuyên gia cũng lưu ý, lũ quét xảy ra khi hình thành một khối lượng nước khổng lồ trong thời gian ngắn, chủ yếu do những cơn mưa dông, bão nhiệt đới... hoặc do đập bị vỡ, hay xả lũ đập một cách vội vàng với khối lượng có thể lên tới hàng ngàn mét khối/giây. Chính bởi yếu tố có lượng nước lớn, nên lũ quét có sức tàn phá rất lớn, có thể cuốn phăng mọi vật cản trên đường, kể cả nhà cửa, công trình, cây cối.
Để đề phòng lũ lụt nói chung và lũ quét nói riêng các chuyên gia khuyến cáo cần phải tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.
Xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét. Ở các khu vực thường xảy ra lũ quét cần được nghiên cứu kết hợp với việc quy hoạch khai thác trị thuỷ, xây dựng các hồ chứa nước nhiều tác dụng như: chống lũ, tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát điện, kết hợp với việc điều hoà lũ, phòng chống lũ quét.
Khai thông các đường thoát lũ. Tổ chức khai thông các đường tập trung lũ ở phía thượng lưu, các khu vực cần bảo vệ nhằm mục đích không để sinh ra hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy, tích tụ nước tạo ra lũ quét nghẽn dòng.
Xây dựng đê, tường chắn lũ quét. Ở các khu vực có điều kiện xây dựng công trình ngăn lũ quét có thể nghiên cứu xây dựng các tuyến đê hoặc tường chắn lũ quét để giữ dòng lũ chảy trong lòng dẫn, ngăn chặn các tác động của lũ quét đối với khu vực cần bảo vệ.
Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, Tổng Cục khí tượng thuỷ văn khuyến cáo các địa phương cần có các phương án cụ thể.
Theo đó, cần xây bản đồ nguy cơ ngập lụt khu chịu lũ, các phương án sơ tán, các tuyến đường sơ tán và vị trí tập kết. Có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em.
Mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh. Đồng thời, các địa phương cần thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân trong thời gian có lũ quét.