- Nguy cơ tụt hậu và thế yếu cạnh tranh của nguồn nhân lực khi Việt Nam tham gia các cộng đồng khu vực và thế giới lại một lần nữa được đặt ra tại hội thảo tìm động lực cho tăng tưởng kinh tế năm 2015 vừa diễn ra ngày 16/1 tại Hà Nội.

Coi chừng "AEC vào"

Sát sườn nhất là chuyện Việt Nam sắp tham cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - điều này vừa mang lại cơ hội nhưng cũng nhãn tiền nhiều thách thức cho "lao động chất lượng cao".

Các lĩnh vực khác

Nông lâm thủy sản: 3,4%, công nghệ khai thác: 0,6%, công nghệ chế biến  -chế tạo: 9,4%, xây dựng 4,7% ngân hàng tài chính: 4,6%.

Theo báo cáo của thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), lao động chuyên môn kỹ thuật trình độ cao của Việt Nam chủ yếu tập trung trong các ngành dịch vụ,  nhiều nhất là giáo dục (32,3%); kế đến là khu vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ (32,5%). Con số này ở khu vực "công nghiệp chế biến chế tạo" - cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa - chưa đến 10%, (trong khi quốc gia phát triển là 70%).

Bà Vân phân tích: Khi tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN, trên thực tế chỉ cho phép luân chuyển lao động trong 8 ngành: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, điều tra viên và du lịch. So với toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, lao động nhóm này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ (1%). Cơ hội dành cho lao động Việt Nam càng thu hẹp bởi các yếu tố khắt khe về chuyên môn, ngoại ngữ.

{keywords}
Nhiều ý kiến tại hội thảo khuyến nghị chú trọng đổi mới giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học để chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng tốt. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong nghiên cứu về "mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực Việt Nam khi tham gia AEC", thạc sĩ Hoàng Thị Huệ (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) điểm lại kết luận của các tổ chức về những điểm yếu của lao động Việt Nam.

Cụ thể, một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, so với yêu cầu của nhà tuyển dụng tại 7 quốc gia Đông Á, nhân lực Việt thiếu hụt nghiêm trọng thái độ làm việc, thiếu hụt lớn các kỹ năng: tư duy, sáng tạo, công nghệ thông tin, giải quyết vấn đề. Còn theo khảo sát của Manpower (một công ty nhân lực trong nước), thì  lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thiếu hụt lớn nhất về ý thức về chất lượng và đúng giờ, tin cậy;  tiếp theo là khả năng thích nghi với thay đổi, làm việc nhóm, nhận biết và tiếp thu ứng dụng công nghệ mới.

Cẩn thận "FDI đi"

Không chỉ quan ngại khi người giỏi của ASEAN tràn vào, các báo cáo của hội thảo cũng nêu lo lắng nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rời đi khi  yếu tố "nhân công giá rẻ" của Việt Nam mất dần lợi thế.

GS Trần Thọ Đạt và thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân lưu ý: Theo báo cáo gần đây của tổ chức lao động quốc tế, mặc dù có lợi thế chi phí rẻ nhưng VN đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác trong khu vực cũng có chi phí thấp nhưng triển vọng năng suất lao động sáng sủa hơn.

Trong một khảo sát về "năng suất lao động", các tác giả chỉ ra 2 điểm mất lợi thế cạnh tranh.

Thứ nhất: Từ năm 2000- 2012, tốc độ tăng năng suất lao động của VN bằng tốc độ của Campuchia, cao hơn ASEAN, thấp hơn Lào. Năm 2010, Lào vẫn sau VN trong bảng xếp hạng năng suất nhưng bắt kịp vào 2012 và có khả năng tiến nhanh hơn VN trong tương lai gần.Khi chi phí nhân công ở VN đang tăng nhanh hơn so với năng suất lao động,  nảy sinh lo lắng FDI sẽ chuyển sang Lào, Campuchia.

Thứ hai: Kinh nghiệm ở các quốc gia cho thấy để duy trì năng lực canh tranh thì tốc độ tăng năng suất lao động cũng tương đương tốc độ tăng lương. Nhưng ở VN tốc độ tăng lương đang nhiều hơn tốc độ tăng tăng năng suất (trong giai đoạn 2011 – 2013 , tốc độ tăng lương là 13,665%).

Hai tác giả khuyến nghị tăng năng suất lao động nội bộ ngành là conn đường tăng trưởng năng suất cơ bản trong nền kinh tế hiện nay.

Lao động Việt Nam có giá 7.900 USD

Bảng so sánh mức năng suất lao động (nghìn USD) của Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới

Tên nước và vùng lãnh thổ Mức NSLD (nghìn US dollar)
2000 2010 2012
Singapore 95.3 113.7 114.4
Nhật Bản 60.3 66.2 66.9
Hàn Quốc 40.0 53.8 54.8
Trung Quốc 5.6 14.5 16.9
Malaysia 36.4 45.0 46.6
Thái Lan 16.9 21.8 22.9
Philippines 11.3 13.7 14.7
Indonesia 13.1 18.1 20.0
Việt Nam 4.7 7.4 7.9
Lào 4.5 7.1 7.9
Campuchia 2.7 4.1 4.6
Myanmar 2.3 6.1 6.7
ASEAN 12.5 16.7 18

Ghi chú: GDP giá cơ bản trên 1 lao động theo sức mua tương đương 2011, tham chiếu năm 2012. Nguồn: APO Productivity Databook 2014, tr 59.

Lao động khu vực công: Chất lượng thực sự có cao?

Hai tác giả Yến Nhi và Thành Trung (Học viên Chính trị) quan sát thấy lao động trong các ngành dịch vụ công chủ yếu là lao động đã được đào tạo; trong số đó, trình độ cao chiếm tỷ lệ lớn (theo bảng dưới đây).

Hai tác giả đặt đặt câu hỏi: Điều này có đồng nghĩa với chất lượng khu vực này cao? 

Mặc dù chưa có nghiên cứu thỏa đáng để trả lời cho câu hỏi, nhưng nhóm tác giả cũng nêu giả định: Nếu đo theo thước đo trình độ (bằng cấp) thì đúng là như vậy. Nhưng mặt khác, chất lượng lao động ngoài trình độ còn được đo theo tiêu chí về biểu hiện năng lực, phẩm chất của người lao động. Nếu xét trên bình diện này thì chất lượng khu vực dịch vụ công có thể chưa được đánh giá tốt.

Cơ cấu lao động trong các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp theo trình độ chuyên môn được đào tạo, ngành kinh tế và vùng kinh tế

Đơn vị tính: %

Khu vực/ ngành kinh tế Tổng số

Cơ cấu theo trình độ chuyên môn được đào tạo

Chưa đào tạo Đã qua đào tạo nhưng không có chứng chỉ Sơ cấp nghề Trung cấp, trung cấp nghề Cao đẳng, cao đẳng nghề Đại học Trên đại học Trình độ khác
(1) Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 100.0 7.1 9.3 3.8 12.0 10.3 42.3 12.4 2.8
(2) Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị xã hội; Quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng 100.0 1.3 0.4 0.8 14.6 1.3 65.9 14.1 1.6
(3) Giáo dục và đào tạo 100.0 0.4 0.3 0.4 4.7 11.2 65.9 16.9 0.2
(4) Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 100.0 0.8 0.6 0.9 14.1 1.7 22.5 58.9 0.5

Nguồn: Tổng cục thống kê - 2012

Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2015: Khơi nguồn động lực tăng trưởng trong bối cảnh mới của hội nhập" do Trường ĐH Kinh tế quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức. Ngoài việc phân tích và chỉ ra những rào cản chính với tăng trưởng bền vững, hội thảo còn đưa ra những dự báo về phát triển kinh tế 2015, đặc biệt là khuyến nghị chính sách khơi thông các động lực tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.
  • Hạ Anh (lược thuật)