- Trong bài viết gửi đến VietNamNet, anh Minh Đức băn khoăn, có lẽ cùng
với thời gian, trình độ học văn của con cái mình cũng sẽ chỉ
xoay quanh cái “khuôn vàng thước ngọc” có sẵn mà các thầy cô, sách vở đã
hoạch định mà thôi...
Nhiều phụ huynh than phiền
Trong ký ức của những người trưởng thành, cảm giác được bố mẹ ân cần uốn nắn từng nét chữ, hướng dẫn làm từng bài toán khi còn thơ bé luôn là những kỷ niệm đẹp.
Việc làm tự nhiên ấy như dòng suối mát lành tưới mát tâm hồn trẻ thơ, khơi gợi sự sáng tạo, đam mê học tập. Bởi thế rất nhiều người mong muốn tiếp tục những việc làm ý nghĩa đó với con cái họ. Thế nhưng khi nền giáo dục liên tục có sự đổi mới, cải cách, nhiều việc tưởng như là hiển nhiên phải thế lại không còn phù hợp.
Có nhiều phụ huynh than phiền rằng họ không thể dạy con theo cách của mình hoặc con cái không muốn tiếp nhận sự can thiệp của họ vào việc học hành của chúng. Dường như trong đầu óc non nớt của bọn trẻ, lúc nào cô giáo cũng là người quan trọng nhất. Nhiều phụ huynh còn bị con mang cô giáo ra “dọa” kiểu như: Làm theo cách mẹ nói thế nào cô cũng bảo sai hay ở lớp cô không nói thế...
Ảnh có tính chất minh họa |
Trong buổi họp phụ huynh ở một trường tiểu học, khi cô giáo chủ nhiệm lớp xin ý kiến về việc có nên mỗi tuần giao một vài bài tập về nhà cho các em (bởi chủ trương của ngành giáo dục là không giao bài tập về nhà), bầu không khí bỗng sôi động bởi những tiếng rì rầm to nhỏ. Cuối cùng ai cũng nhất trí, thậm chí có phụ huynh còn đề nghị cô giáo ngày nào cũng giao bài tập vì… cô không giao bài thì con họ sẽ không động đến sách vở, không làm bài tập bố mẹ giao. Mà thực tế cho thấy, đa số phụ huynh chưa thích nghi được việc con đi học về là quăng cặp sách vào một góc. Học thế thì làm sao mà giỏi được!
Còn nhớ, năm con tôi học lớp 1, mỗi lần hỏi cô giáo về tình hình học tập của con, hồi đó chủ yếu vẫn chỉ là luyện chữ, cô đều bảo nếu có thời gian bố mẹ nên kèm con luyện chữ thêm để nhanh tiến bộ... Thế là tôi đủ biết con mình đang “bị chậm” so với các bạn, mà cô giáo làm sao có đủ thời gian để kèm cặp, nắt nót cho từng học sinh được chứ. Nếu không tăng gia thêm việc luyện chữ ở nhà thì tương lai sẽ thành học sinh “gà bới’ mất.
Thế nhưng, khi tôi yêu cầu con luyện chữ vào buổi tối thì nó trả lời: Cô giáo không giao bài tập về nhà, sao mẹ bắt con học. Chả lẽ mình đã sai hay sao, tôi tự nhủ.
Đấy là nói về tinh thần tự giác trong học tập, còn một vấn đề khác khiến không ít bố mẹ đau đầu là con họ chỉ muốn làm học sinh của cô giáo thôi, thế nên bố mẹ đừng mơ đến chuyện can thiệp này nọ.
“Làm khác cô là sai...”
Một chị bạn tôi kể rằng, cậu nhóc nhà chị học lớp 2 và bắt đầu học làm văn. Khi kiểm tra vở của con, chị thấy những đoạn văn trong đó đều khá hay, ý tứ mạch lạc, có đầu có cuối, song bài nào cũng giống nhau.
Chẳng hạn, với đề bài yêu cầu viết về con vật, cậu bé đều mở đầu bằng câu: Nhà em có nuôi một con mèo/con gà/con chó... Và kết thúc bằng câu: Em rất yêu con mèo/con gà/con chó nhà em.
Chị hỏi con, nhà mình có nuôi con mèo nào đâu, sao con không thử viết bằng cách khác. Cậu bé trả lời là ở lớp cô giáo bảo viết như thế. Khi chị gợi ý cho con một vài cách mở đầu khác, cậu bé vẫn kiên quyết không nghe. Lý do là không làm giống cô giáo thì không đúng và mẹ có phải cô giáo đâu mà biết!
Đáng tiếc, chuyện này không xảy ra với riêng con của chị ấy, mà con tôi, cháu tôi, con của các đồng nghiệp tôi, bạn bè tôi… cũng thế. Bài văn nào chúng cũng viết theo một khuôn mẫu cô giáo đã cho sẵn hoặc cô hướng dẫn trên lớp. Chúng còn ngang bướng không chấp nhận sự hướng dẫn, gợi ý của bố mẹ. Tâm lý sợ sai, sợ không đúng với những gì cô giáo dạy trên lớp đã khiến bọn trẻ trở thành người phụ thuộc quá sớm. Sự sáng tạo, nhạy bén và xúc cảm tự nhiên của tuổi thơ dường như không còn đất để phát triển.
Tôi lờ mờ nhận ra rằng, có lẽ cùng với thời gian, trình độ học văn của con cái mình cũng sẽ chỉ xoay quanh cái “khuôn vàng thước ngọc” có sẵn mà các thầy cô, sách vở đã hoạch định mà thôi. Cái quan trọng là tinh thần tự giác, sự sáng tạo và tự nhiên của trẻ nhỏ đang bị trói buộc bằng những sợi dây vô hình.
Thế thì, cải cách với đổi mới giáo dục còn có ý nghĩa gì nữa đây?
Minh Đức