Nuốt dị vật là các loại đinh vít, vật sắc nhọn, xương gà, xương cá, tăm tre, kim khâu, viên thuốc nguyên cả vỏ... là tai nạn mà các bác sĩ nhi khoa thường xuyên tiếp nhận.
Đáng nói, một số trường hợp bệnh nhân vào cấp cứu khi sau khi bị hóc dị vật sắc nhọn không biết cách xử trí đúng, thậm chí làm theo kinh nghiệm như uống nhiều nước, ăn thêm miếng thức ăn lớn… Chính cách làm này có thể khiến cho tình trạng nặng lên và gây khó khăn cho bác sĩ khi cứu chữa.
Tối 12/12, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, tiếp nhận bé N.P.C (2 tuổi, trú tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đến khám do gia đình nghi ngờ trẻ nuốt phải 1 chiếc đinh vít trước đó.
Theo thông tin từ phía gia đình, được biết 4 giờ trước khi vào viện, bé chơi ở nhà hàng xóm và nuốt phải đinh vít nhưng không ai phát hiện ra, sau khi nuốt dị vật trẻ cũng không có biểu hiện nào bất thường. Chỉ đến khi người hàng xóm tìm không thấy chiếc đinh vít mới thông báo cho gia đình để đưa bé đi khám.
Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ chỉ định cho bé chụp X-quang thăm dò và phát hiện dị vật đinh vít sắc nhọn kích thước 2cm trong dạ dày, vị trí ngang đốt sống D3 của trẻ. Sau 5 phút gây mê nội soi tiêu hóa cấp cứu gắp dị vật, một chiếc đinh ốc vít có một đầu sắc nhọn nằm trong dạ dày của bệnh nhi được gắp ra.
Mới đây, thầy thuốc khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, tiếp nhận bệnh nhi 2 tuổi ở Hà Tĩnh được gia đình đưa đến cấp cứu vì nuốt 2 chiếc đinh vít. Kết quả, hai "vật thể lạ" dài 2cm nằm trong dạ dày của bé được đưa ra khỏi cơ thể bé. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã được xuất viện.
Với tính chất sắc nhọn, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, dị vật sắc nhọn của đầu đinh có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa, gây áp xe, thậm chí đâm thủng ruột, dạ dày của trẻ thậm chí có thể gây tổn thương nhiều vị trí mà chiếc đinh đi qua.
Trường hợp khác là bé P.Q.H (5 tuổi, Hà Tĩnh) trong lúc chơi đùa đã nuốt một vật kim loại sắc nhọn. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết và chụp X-quang cho thấy có dị vật dài 5cm nằm bên trái ổ bụng. Bệnh nhi được gắp dị vật ra khỏi đường tiêu hóa bằng phương pháp nội soi.
Bác sĩ Trần Thị Hợi, khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết trong lúc nô đùa, việc trẻ hiếu động và tự nhặt đồ vật như nam châm, đinh vít, pin,... cho vào miệng là điều không thể tránh khỏi. Sự hiểu biết của trẻ về mối nguy hiểm của những đồ vật trên là chưa có, vì vậy bố mẹ và người thân cần cẩn thận và chú ý trong quá trình chăm sóc trẻ.
Các dị vật đi vào đường thở hoặc đường tiêu hóa sẽ vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ gây tắc ruột, hoại tử hoặc nặng hơn là thủng ruột. Khi bố mẹ phát hiện những bất thường, phát hiện hoặc nghi trẻ nuốt phải dị vật đường tiêu hóa, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý lấy dị vật bằng cách cố móc, hoặc ăn miếng cơm lớn, uống ngụm nước lớn.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh, người trông trẻ cần hết sức chú ý, không nên để các bé chơi các loại đồ vật có kích thước nhỏ bởi với sự hiếu động, tò mò, bé sẽ ngậm vào miệng rồi vô tình nuốt luôn dị vật dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Trẻ em hay người lớn đều nên chú ý khi ăn những đồ ăn khó tiêu, gỡ bỏ hết xương, khi ăn tập thói quen ăn tập trung, ăn chậm, nhai kỹ… Gia đình cần giáo dục, rèn luyện cho trẻ ngồi ăn, không nô đùa, chạy nhảy, vừa ăn vừa làm việc khác.