- “Trước mắt và lâu dài, vấn đề Biển Đông và nguồn nước sông Mekong là hai yếu tố lớn nhất đe dọa an ninh của Việt Nam, tướng Nguyễn Văn Hưởng nhận định.
LTS: Nhân Ngày truyền thống của lực lượng An ninh Nhân dân 12 tháng 7, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng về những nguy cơ đe dọa an ninh chủ quyền lãnh thổ.
Thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, theo ông, những yếu tố nào đang đe doạ an ninh của nước ta?
Tướng Nguyễn Văn Hưởng: Trong bối cảnh hiện nay, để xác định yếu tố đe dọa an ninh đều phải xem xét kỹ lưỡng các yếu tố bên trong và bên ngoài.
Trên cơ sở đó, theo tôi có hai yếu tố đe doạ mang tính chiến lược mà chúng ta đã thấy rõ, là vấn đề Biển Đông và sông Mekong.
Đây là hai yếu tố cực kỳ quan trọng, là lợi ích cốt lõi, sống còn của nước ta.
Ông hãy phân tích rõ hơn về hai yếu tố sống còn này.
Trước hết, nói về Biển Đông, đây là cửa ngõ của nước ta với thế giới.
Chúng ta có hơn 3.000 km bờ biển và hàng trăm bến cảng trong đó có hàng chục cảng nước sâu. Mối giao lưu thương mại quốc tế bắt nguồn từ đây, điều đó ta có thể hiểu được vì sao ngành công nghiệp vận tải biển nước ta lại lớn mạnh như vậy. Ngành khai thác dầu khí và công nghiệp hoá dầu phát triển cũng khởi nghiệp từ Biển Đông. Nhờ biển, ngành công nghiệp đánh cá phát triển với gần 4 triệu lao động sống bằng nghề khai thác nuôi trồng thủy hải sản.
Biển Đông có trữ lượng sinh vật biển phong phú, cấu tạo đa dạng của địa chất ở đáy biển rất hấp dẫn và thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về biển trên nhiều lĩnh vực. Điều đó sẽ đem lại lợi ích lớn cho nước ta là tiếp cận và thụ hưởng các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Sau cùng như các bạn biết, Biển Đông của Việt Nam có hàng trăm đảo lớn nhỏ, tạo cho đất nước lợi thế địa chính trị vững chắc để bảo vệ các lợi ích từ biển. Hơn thế, hệ thống đảo chính là các pháo đài để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước cũng như tạo ra quan hệ hợp tác quốc tế, bảo vệ an toàn vận tải biển, góp phần đảm bảo an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Song Biển Đông lâu nay bị cưỡng chiếm, bị đe dọa liên miên, thưa ông?
Chúng ta đều biết kể từ khi Trung Quốc công bố đường lưỡi bò mà bản chất là họ khoanh vùng gần như toàn bộ vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Kể từ đó, cuộc xung đột chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trong vùng với Trung Quốc ngày càng căng thẳng.
Lịch sử đã chứng kiến hàng trăm cuộc thương thảo đa phương và song phương giữa các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực đối với Trung Quốc. Nền tảng của các cuộc thảo luận là dựa vào Luật Biển 1982, vào thoả thuận giữa ASEAN với Trung Quốc DOC và tình hình quản lý thực tế lịch sử của các quốc gia trên biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Sputnik. |
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chưa đem lại kết quả cụ thể. Mấy năm gần đây, là một nước lớn, dựa vào sức mạnh vượt trội, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi, là lãnh thổ “không thể bàn cãi” của họ, kèm theo đó là những yêu sách cho các quốc gia trong vùng mang tính áp đặt và đe dọa. Trung Quốc cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kiểm soát Biển Đông, hiện thực hóa quản lý các đảo đã lấn chiếm, xây dựng trái phép các hải cảng và sân bay phục vụ cho mục đích kinh tế và quân sự ở khu vực đảo Trường Sa của Việt Nam. Các đơn vị hải quân, cảnh sát biển của Trung Quốc được họ tăng cường và khoanh vùng, xua đuổi ngư dân của các nước, ngăn cản, đe dọa các hoạt động thăm dò tài nguyên và khai thác dầu khí của Việt Nam và các nước trên Biển Đông.
Có thể thấy, Trung Quốc đã không chịu xem xét đến mọi cơ sở xác định chủ quyền của Việt Nam và các nước trong vùng theo pháp luật và lịch sử. Trung Quốc đang “tự mình” sắp đặt Biển Đông, những nước khác làm gì đều bị Trung Quốc đe dọa bằng hình thức này hình thức khác. Như vậy, đó có phải là nguy cơ đối với chủ quyền và an ninh của nước ta và khu vực không?
Điều này còn nguy hiểm ở chỗ nguồn lực để phát trển đất nước từ biển sẽ bị đe dọa và tương lai có thể bị chiếm đoạt.
Vậy còn nguy cơ đến từ vấn đề nguồn nước trên sông Mekong thì sao?
Theo số liệu công bố của Uỷ hội sông Mekong, con sông này bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc, có chiều dài 4.350 km, diện tích lưu vực sông là 795.000 km2, lưu lượng nước chảy hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy hàng năm là 475 tỉ m3 tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam. Nơi đây có trên 65 triệu người sinh sống và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của các nước ven sông.
Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu tận cùng của dòng sông, nơi có 12 nhánh sông lớn nhỏ đổ ra biển Đông. Vùng châu thổ trù phú này được tồn tại và bồi đắp không ngừng bởi một nguồn phù sa dồi dào của nguồn nước sông Mekong qua mùa lũ hàng năm, tạo ra 1,9 triệu ha qua thời gian lịch sử. Nhờ đó, hàng thập kỷ qua, đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất trong vùng với 20 triệu dân sinh sống, sản xuất một khối lượng nông sản lớn với hàng chục triệu tấn gạo, chiếm 50% sản lượng lương thực của cả nước, cung ứng cho cả khu vực và thế giới, góp phần ổn định an ninh lương thực, an sinh xã hội. Đồng bằng sông Cửu Long còn nổi tiếng về giá trị sinh thái lớn nhất trong khu vực.
Một vài dẫn chứng như vậy để thấy, sự phát triển kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông Mekong.
Những năm gần đây, các nước thượng nguồn sông Mekong đã đẩy mạnh khai thác nguồn nước để phát triển kinh tế theo lợi ích riêng của mình. Chỉ tính hơn 10 năm vừa qua, Trung Quốc đã xây 12 đập lớn nhỏ ngăn dòng nước để phát triển thủy điện. Các nước Myanmar, Lào, Thái Lan được sự hỗ trợ, hợp tác với Trung Quốc cũng đã xây dựng các đập nước làm thuỷ điện. Việc khai thác nguồn nước quá mức và tình trạng xây đập không được điều tiết trên sông của các quốc gia thượng nguồn đã khiến cho an ninh nguồn nước ở hạ lưu châu thổ sông Mekong nói chung và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng bị đe dọa nghiêm trọng.
Ảnh: VietNamNet |
Theo đánh giá của các chuyên gia của UNESCO và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), ngày nay châu thổ sông Mekong đang chìm dần và thu nhỏ, tất cả việc này đang đẩy các loại sinh vật nước ngọt tới bờ vực tuyệt chủng. Dòng chảy của trầm tích, chất dinh dưỡng ở sông Mekong đã giảm tới 70%.
Mấy năm gần đây đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam luôn phải trải qua những đợt hạn hán lịch sử. Tình hình càng khốc liệt khi nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền gây tác hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, môi trường sinh thái, làm biến dạng môi trường sống, đe dọa sinh kế của gần 20 triệu người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân, ngoài sự biến đổi khí hậu thì chủ yếu là do sự tích nước của các đập nước ở thượng nguồn. Phải nhìn nhận thẳng thắn, chính các quốc gia nằm ở thượng nguồn dòng Mekong có nhiều đập ngăn nước nhất. Đây là nguyên nhân đáng kể gây ra sự biến đổi nguồn nước ở hạ lưu. Vì vậy, cần nhìn nhận tác động của các con đập ở thượng nguồn sông Mekong là vấn đề an ninh phi truyền thống gây bất ổn xã hội và chính trị.
Trong bối cảnh phức tạp như vậy, ông có gợi ý như thế nào về các giải pháp tháo gỡ, cải thiện tình hình?
Đây là vấn đề rất lớn.
Uỷ hội sông Mekong đã ra đời trên 20 năm nay (năm 1995) để bàn về việc này, các nước như Mỹ, Nhật và khối ASEAN rất quan tâm hỗ trợ các nước lưu vực sông Mekong tìm giải pháp khai thác nguồn nước và đảm bảo môi trường lưu vực sông; nhưng xem ra kết quả mới chỉ dừng ở những lời tuyên bố cam kết hợp tác chứ chưa có chuyển biến nhiều trong thực tế. Như vậy, vấn đề sông Mekong cũng chẳng khác gì vấn đề Biển Đông – các nước cứ bàn hợp tác còn mạnh ai thì cứ làm.
Chúng tôi được biết, mới đây, hồi tháng 1/2018, các nước Ủy hội sông Mekong (trong đó có Việt Nam) họp ở Campuchia đã đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo môi trường và nguồn nước của sông Mekong?
Đúng là các quan hệ song phương đang được thúc đẩy, nhất là việc xây dựng và điều tiết các đập thủy điện của Thái Lan và Lào. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng ngay cả khi Thái Lan và Lào thực hiện được những yêu cầu do Ủy hội sông Mekong đặt ra thì cũng chưa giải quyết được vấn đề nguồn nước bị xâm hại, và cả hai vấn đề Biển Đông và sông Mekong đều phải có sự hợp tác tích cực với Trung Quốc.
Trung Quốc là thành tố dẫn tới tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời họ cũng là thành tố tác động tới nguồn nước sông Mekong.
Vì vậy, các nước trong khu vực phải coi sự hợp tác của Trung Quốc là vấn đề mấu chốt, cơ bản và tích cực nhất để xử lý tình hình Biển Đông và vấn đề sông Mekong.
Chẳng phải lâu nay Việt Nam và các nước trong khu vực vẫn xúc tiến, coi sự hợp tác với Trung Quốc để giải quyết 2 vấn đề quan trọng này sao?
Đúng như vậy. Việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc là dựa trên quyền lợi chung và đảm bảo quyền lợi của mỗi quốc gia, một cách hài hòa “đôi bên cùng thắng”. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn và phức tạp, đòi hỏi các quốc gia phải kiên định theo đuổi mục đích chung, không bị tư tưởng dân tộc chủ nghĩa chi phối.
Chúng ta có thể đặt niềm tin về một Trung Quốc hữu nghị và thiện chí vì sự phát triển hài hòa của các quốc gia trong vùng. Trong điều kiện tình hình chính trị, kinh tế phức tạp của thế giới hiện nay, Trung Quốc cần có sự ủng hộ quốc tế rộng rãi trên con đường vươn ra thế giới; nếu giải quyết được các mâu thuẫn, xung đột với các nước láng giềng và khu vực, sẽ tạo hình ảnh tốt đẹp của Trung Quốc đối với thế giới. Chính Trung Quốc cũng đã tuyên bố họ phải kết bạn rộng rãi, tránh tạo ra kẻ địch cho mình.
Theo dõi những tuyên bố sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thấy, Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại, trong đó có cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.
Chúng ta hy vọng như vậy, nhưng để có điều đó phải trải qua một chặng đường đầy khó khăn phức tạp; chỉ bằng sự đoàn kết, xây dựng lòng tin và có chung hành động của các nước trong khu vực thì mới vượt qua được; đừng bao giờ ảo tưởng chờ hạnh phúc tự đến.
Xin cám ơn Thượng tướng đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.
Quốc Bảo thực hiện
Chính phủ quyết liệt giải cứu ĐBSCL
“Chính phủ kiến tạo” sau gần hai năm vận hành đã đem lại rất nhiều chuyển biến mới. Việc Thủ tướng đích thân tham gia hội nghị “Diên Hồng” về phát triển ĐBSCL khiến nhiều người mong đợi những nỗ lực này sẽ sớm giải cứu vùng châu thổ này.
“Những bước đi khôn ngoan, những giải pháp không hối tiếc”
Nhà nước cần tiến hành xây dựng một Chương trình quy hoạch tổng thể về phát triển đồng bằng, hình thành chiến lược phát triển dài hạn có tính đến mọi tình hướng biến đổi khí hậu và phát triển.
Tướng Hưởng bàn về bước đi gây tranh cãi của Tổng thống Trump
Phải chăng động lực chính yếu của Tổng thống Trump khi đưa ra quyết định dời tào đại sứ đến Jerusalem là nhắm đến một khối cử tri đông đảo và vững chắc cho cuộc chạy đua nhiệm kỳ Tổng thống kế tiếp.
Trung Quốc mưu độc chiếm Biển Đông, làm bàn đạp bành trướng xa hơn
Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc từ bỏ tham vọng và các động thái để từng bước chiếm lĩnh Biển Đông, làm bàn đạp bành trướng ra xa hơn.
Quân sự hoá Biển Đông, Trung Quốc gia tăng căng thẳng
Đô đốc Mỹ cảnh báo: Một khi chiếm đóng xong, TQ sẽ có khả năng mở rộng tầm ảnh hưởng ra hàng ngàn hải lý xuống phía Nam.
Trung Quốc và lời nói dối thập kỷ xung quanh chuyện Biển Đông
Trung Quốc lại có chiêu trò mới về “bản đồ mới của nước CHND Trung Hoa”, đồng thời quốc gia này liên tục có những hành động trái với luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
Biển Đông: Cảnh giác với chiến lược “Tam chiến” của Trung Quốc
Cụm từ “Tam chiến” được Trung Quốc dùng để gây sức ép tâm lý nhằm tạo ra mối đe dọa để răn đe kẻ thù.
“Đường lưỡi bò liền nét”- tình tiết mới về tham vọng cũ của Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc với sức mạnh của mình, mưu toan “đổi trắng thay đen”, nhưng điều này không thể làm được trong thế giới hiện đại.