Hóc dị vật, bỏng, tai nạn mắt… để lại nhiều hậu quả nặng nề cho trẻ, thậm chí mất mạng. Nguyên nhân chỉ do cha mẹ bận rộn, bất cẩn trong ngày cận Tết.
Hóc dị vật
Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận và can thiệp cho cháu bé 7 tháng tuổi bị hóc dị vật. Người nhà cho biết, cháu bé đang chơi ở nhà, cho đồ chơi vào miệng, khi người nhà phát hiện đã thò tay móc dị vật nhưng lại đẩy mảnh đồ chơi sâu vào cổ họng. Người nhà đã nhanh chóng đưa cháu bé đi bệnh viện. Rất may, cháu bé đã được nội soi gắp dị vật thành công.
Không nên cho trẻ chơi các vật nhỏ dễ đút vào miệng. Ảnh minh họa IT |
Theo các bác sĩ, ngày giáp Tết càng xảy ra nhiều các trường hợp trẻ bị hóc dị vật. Nguyên nhân do cha mẹ quá bận rộn, thường lơi là trong việc trông trẻ. Trong nhà lại ngổn ngang đồ đạc, kẹo bánh, hạt dưa nên trẻ cũng rất dễ nhặt và cho vào miệng, gây hóc. Bác sĩ Trần Thu Thủy – khoa Nhi (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, cần phải thường xuyên để mắt đến trẻ, không để các vật nhỏ, dễ hóc trong tầm tay của trẻ. Nếu trẻ đang ăn hoặc chơi mà ho sặc sụa thì cần nghĩ ngay đến việc hóc dị vật. Còn khi trẻ bị hóc dị vật, nếu trẻ vẫn ho, khóc thì không nên tìm cách moi đồ chơi khiến dị vật chui vào sâu hơn. Cũng không cho trẻ ăn cơm, bánh mì, uống nước với hy vọng tống dị vật chui xuống vì có thể làm dị vật bị mắc sâu vào cổ họng hoặc đi xuống gây ngạt hơn.
Bỏng
Ths. BS Nguyễn Quang Thống - Trưởng khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, cận Tết số trẻ nhập viện do bỏng đều gia tăng. Nguyên nhân cũng do người lớn bận dọn nhà, làm cỗ Tết nên ít quan tâm đến trẻ. Trẻ thường chơi một mình hoặc quấn chân cha mẹ đang nấu ăn nên dễ bị bỏng nước sôi, bỏng dầu ăn, bỏng điện...
Trẻ luẩn quẩn quanh nồi bánh chưng rất dễ gặp tai nạn bỏng (Ảnh minh họa IT) |
Theo bác sĩ Thống, nếu trẻ bị bỏng nên rửa vết bỏng dưới vòi nước lạnh, không chườm đá. Cũng không dùng nước đá, nước mắm, kem đánh răng với hy vọng giảm nóng vì điều này khiến vét bỏng bị loét sâu hơn hoặc nhiễm trùng. Đặc biệt vẫn còn cha mẹ cho con đi chữa bỏng ở các thày lang, đắp lá không đảm bảo vệ sinh khiến vết loét bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Khi trẻ bị bỏng nên rửa vết thương bằng nước mát rồi cho con đi cấp cứu.
Tai nạn mắt
Ngày Tết trong nhà bày biện nhiều vật trang trí, cây cảnh, cành đào. Do đó không ít trẻ đã bị các cành cây, vật trang trí đâm vào mắt. Cũng không ít trường hợp trẻ bị tai nạn về mắt do chơi pháo tự chế, pháo hoa, mỡ nóng bắn hoặc tia lửa từ nồi bánh chưng bắn vào mắt... Trẻ cũng dễ nghịch dại khi cầm que, vật nhọn, đồ chơi nhọn chạy nhảy, nô đùa và đâm vào mắt nhau…
Bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, ngày trước và sau Tết, bệnh viện thường cấp cứu hàng chục ca tai nạn mắt, trong đó có nhiều trẻ em. Bác sĩ Cương khuyến cáo, khi trẻ vui chơi thì người lớn luôn cần phải giám sát, theo dõi. Không cho trẻ chơi các vật nhọn vì nếu trẻ vấp ngã, vật nhọn có thể là vũ khí sát thương nguy hiểm hoặc trẻ có thể đâm vào các bạn. Theo thống kê, 47% tai nạn mắt là do vui chơi, 15% do công việc, 14% còn lại là các lý do khác.
Cành đào rất dễ gây tai nạn mắt cho trẻ (Ảnh IT) |
Theo bác sĩ Cương, nếu không may trẻ gặp tai nạn mắt thì không nên tự ý rút các dị vật đang làm tổn thương mắt, không tự ý tra nhỏ thuốc, cũng không nên ấn mạnh vào vết thương ở mắt. Nếu mắt bị bỏng thì nên rửa dưới vòi nước khoảng 15 phút, còn nếu mắt chảy máu thì băng nhẹ che mắt rồi đưa nạn nhân đi cấp cứu.
(Theo Dân Việt)