Theo bản công bố kế hoạch tài chính được Xiaomi nộp cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong hôm 30/3, tỷ phú Lei Jun - người đồng sáng lập Xiaomi - sẽ đảm nhận vị trí giám đốc điều hành của một công ty con chịu trách nhiệm đầu tư 1,5 tỷ USD cho dự án sản xuất xe điện thông minh. Ngân sách sẽ được phân bổ trong vòng 10 năm tới, lên tới 10 tỷ USD, Wall Street Journal đưa tin.
Nguồn tin cho biết Xiaomi sẽ thuê các nhà sản xuất gia công để lắp ráp xe điện - mô hình mà hãng đang sử dụng cho mảng điện thoại thông minh. Công ty chỉ tập trung vào thiết kế và kỹ thuật. Trước đó, Tesla từng đầu tư 3,2 tỷ USD cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất ôtô điện vào năm ngoái.
Xiaomi tuyên bố đầu tư 10 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất xe điện. Ảnh: BBC. |
Miếng bánh béo bở
Xiaomi không phải là hãng công nghệ duy nhất tìm đến thị trường xe điện. Baidu, công ty đứng sau công cụ tìm kiếm Internet lớn nhất Trung Quốc, cho biết sẽ liên doanh với Zhejiang Geely Holding Group, công ty mẹ của Volvo Cars, để sản xuất xe điện. Một số công ty khởi nghiệp Trung Quốc như Nio cũng lên kế hoạch sử dụng mô hình gia công tương tự.
Trong khi đó, Apple cũng đang tìm kiếm các đối tác sản xuất ôtô, mặc dù các cuộc đàm phán trước đó với Hyundai Motors bị đổ vỡ.
Ở một diễn biến khác, việc mở rộng sang mảng ôtô điện rõ ràng là mục tiêu hàng đầu trong chương trình nghị sự của Xiaomi. Nhà sáng lập Lei Jun cho biết ông sẽ đích thân giám sát kế hoạch này - thứ mà ông cho là dự án kinh doanh lớn cuối cùng trong sự nghiệp kinh doanh của mình.
Trong bối cảnh thị trường điện thoại thông minh đang trở nên bão hòa, việc chuyển sang mảng kinh doanh mới cũng là điều tất yếu đối với các hãng công nghệ. Ngoài nhiên liệu sạch, ôtô điện còn sử dụng hệ thống tự lái, trợ lý ảo và kết nối đa phương tiện. Vì vậy, các công ty công nghệ sẽ có lợi thế to lớn nếu bước vào thị trường tiềm năng này.
Nghiên cứu của Morgan Stanley cho thấy, khoản đầu tư trung bình 1,5 tỷ USD mỗi năm của Xiaomi cũng xấp xỉ so với đa số công ty khởi nghiệp khác. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng một phần ba trong dòng tiền hoạt động thường niên của Xiaomi. Trong khi đó, khoản tiền mặt và đầu tư ngắn hạn của hãng đã lên tới 11,9 tỷ USD mỗi năm.
Mẫu xe Model 3 của Tesla. Ảnh: Tesla. |
Xiaomi vốn nổi tiếng với những dòng điện thoại thông minh hiệu năng cao với mức giá phải chăng. Hãng cũng được biết đến với hệ sinh thái công nghệ khổng lồ từ tivi, máy lọc không khí, thiết bị âm thanh cho đến các mặt hàng gia dụng như nồi cơm điện.
Với vị trí là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới sau khi đánh bại Huawei vào cuối năm ngoái, Xiaomi đang có lợi thế cạnh tranh đặc biệt trong mảng kinh doanh cốt lõi.
Tuy nhiên, việc nhảy sang một mảng kinh doanh hoàn toàn mới không phải là điều dễ dàng đối với hãng điện thoại Trung Quốc. Sản xuất ôtô đòi hỏi quy trình kỹ thuật phức tạp và chi phí cao hơn, trong khi chiến lược kinh doanh mặt hàng này cũng khó khăn hơn các sản phẩm gia dụng thông thường.
Cạnh tranh khốc liệt
Trao đổi với báo chí, CEO Lei Jun cho biết lấn sân sang lĩnh vực xe điện là dự án tham vọng nhất của Xiaomi từ trước đến nay.
“Chúng tôi đã chuẩn bị ngân sách cho dự án này. Bản thân tôi nhận thức rõ rủi ro khi chuyển sang sản xuất ôtô. Kế hoạch sẽ mất ít nhất 3-5 năm để triển khai thành công với ngân sách đầu tư lên tới hàng chục tỷ NDT”, tỷ phú Lei Jun phát biểu tại một sự kiện ở Bắc Kinh hôm 30/3.
Ông Jun cho biết Xiaomi sẽ không mời các nhà đầu tư bên ngoài tham gia dự án vì công ty muốn kiểm soát hoàn toàn mảng xe điện. “Đây sẽ là dự án cuối cùng trong sự nghiệp của tôi”, CEO Xiaomi cho biết.
CEO Lei Jun công bố kế hoạch sản xuất xe điện của Xiaomi. Ảnh: The Driven. |
Được thành lập cách đây hơn một thập kỷ, Xiaomi vươn lên trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới vào cuối năm ngoái trong bối cảnh đối thủ Huawei Technologies bị Mỹ chặn đứng nguồn cung các sản phẩm chip quan trọng.
Dù vậy, con đường tiến vào một thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc sẽ không trải đầy hoa hồng.
Ngoài việc phải đối đầu với nhiều tên tuổi lớn trên thế giới như Geely, BYD, Tesla hay Volkswagen, Xiaomi còn chịu sức ép từ chính các đối thủ trong nước như Nio và Xpeng Motors. Các hãng này đều đã xây dựng được một chỗ đứng nhất định trong thị phần xe điện Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên cái tên Xiaomi xuất hiện trong ngành công nghiệp ôtô. Năm 2019, hãng đã hợp tác với một số công ty khác để ra mắt chiếc SUV đầu tiên cho thương hiệu con Redmi.
Trong khi đó, một nguồn tin cho biết ban lãnh đạo Xiaomi đã gặp đại diện của Nio và hãng xe địa phương BYD để tham gia vào dự án xe điện sắp tới. Nếu các cuộc đàm phán đạt được thỏa thuận, kế hoạch được tiến hành ngay trong tháng này hoặc tháng 4 năm nay.
Theo Zing/Wall Street Journal
Xiaomi vừa đổ bao nhiêu tiền vào cuộc đua sản xuất ôtô điện?
Hãng sản xuất smartphone của Trung Quốc vừa thông báo kế hoạch khởi động kinh doanh xe điện và đầu tư hẳn 10 tỷ USD trong 10 năm tới.