Quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn tìm kiếm sự đồng thuận tại Quốc hội nước này về hành động quân sự chống Syria được coi là một canh bạc đầy mạo hiểm.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


{keywords}

Tổng thống Barack Obama và người phó Joe Biden trong Phòng Bầu Dục ngày 31/8.

Như lệ thường vào cuối một ngày bận rộn, Tổng thống Obama đi dạo bộ trong tĩnh lặng tối 30/8 trên bãi cỏ phía nam Nhà Trắng cùng với vị chánh văn phòng và cũng là đồng minh tin cẩn lâu năm của ông, Denis McDonough. Hai người nói về chiến tranh.

Trước đó, các quan chức Lầu Năm Góc đã chọn ra danh sách các mục tiêu cần nhắm đến ở Syria. 5 tàu khu trục ở đông Địa Trung Hải đang đợi lệnh phóng các tên lửa Tomahawk. Các trợ tá của ông Obama hoãn hủy kế hoạch ngày nghỉ cuối tuần vì khả năng một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Nhưng sau chưa đầy một giờ đồng hồ dạo bộ, Obama trở về Phòng Bầu dục và gây bất ngờ cho các thành viên nhóm phụ trách an ninh quốc gia nhiệm kỳ 2 của ông. Nhà lãnh đạo tối cao của nước Mỹ nhấn phanh một hành động quân sự mà ông đã đề cập rất mạnh mẽ trước đó 1 tuần.

Obama bất ngờ thông báo ông sẽ tìm kiếm sự đồng thuận tại Quốc hội trước khi định trừng phạt các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì tình nghi họ sử dụng vũ khí hóa học. Đây là một sự đảo ngược chính sách khiến nhiều người sửng sốt. Trong suốt tuần trước đó, Obama và các cố vấn của ông chưa bao giờ bàn bạc rốt ráo việc đưa vấn đề sang Quốc hội.

Nếu Obama làm như vậy là nhằm huy động sự ủng hộ từ những người chỉ trích ông thì rõ ràng đó là một canh bạc mạo hiểm của một vị Tổng thống nổi tiếng thận trọng. Ông cũng trở thành một nhà lãnh đạo từ bỏ quyền hành pháp, ít nhất là đến lúc này.

Các trợ tá của Obama khẳng định ông có thể hành động một mình, ngay cả nếu Quốc hội không nhất trí sử dụng vũ lực ở Syria. Nhưng Obama đã tạm trao quyết định quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 2 của mình tính đến thời điểm này cho một quốc hội mà ông vốn có một mối quan hệ không mấy vững chắc.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Washington gọi động thái này là thích hợp với thực tiễn tìm kiếm sự bàn bạc lưỡng đảng, và kéo Mỹ ra khỏi hơn một thập niên các cuộc chiến hậu 11/9.

Colin Kahl, người từng làm phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Trung Đông trong nhiệm kỳ 1 của ông Obama nói rằng, Tổng thống hẳn phải tin tưởng Quốc hội sẽ nhất trí một cuộc tấn công chống lại chính quyền Assad.

"Ông ấy chắc chắn đã tính toán rằng đây là một cuộc chiến mà ông ấy có thể thắng", Kahl nói và nhận xét thêm rằng nếu Obama thắng về vấn đề này thì cuộc tấn công sẽ tăng cường sức mạnh cho Tổng thống về nhiều vấn đề khác.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc chiến gắt gao nhất và có lẽ là nguy hiểm nhất về tín nhiệm của Tổng thống Obama có thể là với chính các cựu đồng nghiệp của ông ở Quốc hội, nơi sự ủng hộ can thiệp quân sự vẫn chưa chắc chắn. Giới quan sát cảnh báo Obama có thể phải chịu số phận giống Thủ tướng Anh David Cameron, người đã bị Quốc hội từ chối cho phép hành động quân sự chống Syria hôm 29/8.

"Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng đã thông báo với tôi rằng chúng ta sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào chúng ta muốn", Obama nhấn mạnh trong một bài phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng. "Khả năng thi hành sứ mệnh này của chúng ta không phải là vấn đề về thời gian. Nó sẽ diễn ra vào ngày mai hoặc tuần tới hoặc một tháng nữa tính từ bây giờ".

Obama tuyên bố ông quyết định hành động quân sự được đảm bảo và ông sẵn sàng ra lệnh ngay khi Quốc hội đồng ý. Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ nhóm họp về vấn đề trong tuần này còn Hạ viện sẽ họp sau khi các thành viên trở về sau kỳ nghỉ hè 9/9.

Một số nhà phân tích cho rằng, Obama càng đợi lâu thì tác động của chiến dịch không kích càng ít trong việc ngăn Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học hoặc, có lẽ quan trọng hơn, trong việc thuyết phục các đồng minh Mỹ ở Israel và những người ghét Mỹ ở Iran rằng Obama sẽ giữ lời hứa hành động quân sự nhanh chóng, nếu cần thiết, để không cho phép Tehran có vũ khí hạt nhân.

"Đây là một trò may rủi nguy hiểm, có thể có những ảnh hưởng lâu dài đến thành tích chính sách đối ngoại của Obama, đến thành tích nói chung của ông", trích lời Jim Manley - cựu trợ tá của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid.

Nhiều nhà lập pháp ở cả 2 đảng của Mỹ không tin vào thông tin tình báo mà Nhà Trắng chia sẻ trong các báo cáo ngắn và trong "sách trắng" được giải mật. Họ nói rằng Obama không chứng minh được chính quyền Assad đã thực hiện vụ tấn công hóa học ngày 21/8.

Ngay cả một số người trong phe ủng hộ Obama cũng lo ngại quyết định của ông sẽ càng khiến người ta tin rằng ông đang tìm kiếm một lý do để không phải ra lệnh tấn công.

"Ông ấy biết chúng tôi sẽ bỏ phiếu phản đối", một trợ lý tại Quốc hội nói. "Đó là cách ông ấy thoát ra".

Thanh Hảo (T.H)