Giới bán lẻ điện máy dường như không muốn tiết lộ với báo chí về việc chuẩn bị hàng hoá cho mùa kinh doanh cuối năm. Họ phải bí mật để đánh đòn quyết định với thị trường.

Từ giữa tháng 10 trở lại đây, giám đốc kinh doanh cùng giám đốc các ngành hàng của các hệ thống bán lẻ điện máy “tối mặt tối mày” cho mùa kinh doanh cuối năm: phải nhập bao nhiêu hàng, món nào bán chạy, “đối thủ” sẽ làm trò gì, tất toán công nợ ra sao…

{keywords}

“Có những ngành hàng ban giám đốc quyết định mua hàng với giá trị lên đến vài trăm tỉ đồng”, giám đốc ngành hàng của một hệ thống bán lẻ tiết lộ với Sài Gòn Tiếp Thị như vậy. Theo ông, sức mua yếu kém trong năm đã làm ban giám đốc “đặt cược” một cách quyết liệt với mùa mua sắm cuối năm.

Giá sẽ giảm 20 – 30%?

Ông Lê Phạm Anh Thy, giám đốc tiếp thị của Nguyễn Kim nói rằng, hiện chỉ lo cho việc bán hàng trong tháng 11, còn khoảng thời gian sau đó “chưa có chương trình gì cả, đang tính toán. Nhưng chắc cũng như mọi năm mà thôi”. “Như mọi năm” mà ông Thy nói, là những chương trình khuyến mãi như những năm trước nhưng chính sách cụ thể như thế nào, ông Thy cho rằng, đó là “bí mật” vì sợ đối thủ biết sẽ tung chiêu trước.

Một nhà bán lẻ cho biết, hiện nhiều đối thủ đang chờ Nguyễn Kim bán những mặt hàng nào, giá cả để biết cách tránh hoặc “đập” lại đối thủ lắm tiền này. Gần tuần qua, số điện thoại của giám đốc kinh doanh của hệ thống điện máy Chợ Lớn Liên An Thạch luôn trong tình trạng bận, cho dù gọi bất cứ giờ nào trong ngày. Còn tổng giám đốc Dienmay.com Đinh Anh Huân thì úp mở: “Bây giờ còn quá sớm để nói về việc chuẩn bị hàng hoá. Nhưng nếu có cũng khó chia sẻ sớm được vì đối thủ biết hết chiêu của mình”.

Cũng theo ông Huân, không chỉ có các nhà bán lẻ “thủ chiêu” mà các hãng sản xuất cũng đang “ém hàng” để thăm dò đối thủ vì sợ lộ bài, mất ưu thế cạnh tranh. “Ngay bây giờ các nhà bán lẻ sẵn sàng tiền và phương án kinh doanh. Khi các hãng sản xuất công bố từng sản phẩm, lúc đó các nhà bán lẻ mới quyết định nhập hàng hay không, số lượng bao nhiêu. Cạnh tranh quá khốc liệt nên phải bí mật để phòng thân”, ông Huân nói thêm.

Việc các nhà bán lẻ không thể tiết lộ cụ thể phương án kinh doanh là còn phụ thuộc vào số lượng hàng tồn và giá cả từ các hãng sản xuất. Được biết, giá của những sản phẩm sản xuất cuối năm 2012 và đầu năm nay, vào mùa bán tết chỉ còn 70 – 80% so với giá ban đầu.

Đón “cơ hội vàng”

Năm ngoái, rồi năm nay, khi sức mua trong năm trầm lắng, các nhà bán lẻ đã coi dịp mua sắm cuối năm là cơ hội kinh doanh “quý như vàng”, vì sức mua có thể tăng lên 40% so với thời điểm bình quân trong năm như lời ông Trần Kinh Doanh, phó tổng giám đốc phụ trách khối thương mại của Thế Giới Di Động. Ông Doanh cho biết, cuối năm nay là cơ hội kinh doanh tốt cho các mặt hàng: điện thoại di động, máy tính bảng và phụ kiện. “Song song với việc bán hàng, dịp cuối năm, Thế Giới Di Động sẽ giới thiệu diện mạo mới của các siêu thị để nâng cấp dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng lên bước mới”, ông Doanh tiết lộ.

Gia Thành, từ vai trò của một nhà phân phối hiện nay cũng đẩy mạnh việc bán lẻ. Ông Hồ Đức Trí, giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Gia Thành cho biết, từ nay đến cuối năm, Gia Thành sẽ có ba chương trình lớn, chủ yếu là giảm giá từ 5.000 – 10.000 sản phẩm của các nhóm hàng tivi, tủ lạnh, máy giặt và nhóm hàng điện thoại di động. “Vào mùa mua sắm cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh nhóm hàng điện tử cao cấp: tivi, hệ thống âm thanh…”, ông Trí nói thêm. Hiện Gia Thành đang nâng cấp mặt bằng ở quận 5 (TP.HCM) lên diện tích 2.000m2 để phục vụ bán lẻ.

Dịp kinh doanh cuối năm, theo lời giám đốc tiếp thị Nguyễn Cảnh Hiền của Bách Khoa Computer sẽ tập trung vào hai nhóm sản phẩm đang “hot” là smartphone và máy tính bảng, nằm trong phân khúc từ 3 – 6 triệu đồng. “Chúng tôi có cách kinh doanh riêng cho phân khúc khách hàng có thu nhập từ khá trở xuống. Cuối năm lượng khách sẽ tăng nên ngay bây giờ đã lên kế hoạch nhập hàng. Giữa tháng 11 là hàng về kho”, ông Hiền nói.

Theo SGTT