Bắc Kinh dường như đang có một thái độ mạo hiểm tại Biển Đông. Tại sao lại như vậy? Đó phần lớn là vì Trung Quốc muốn bảo đảm khả năng tiếp cận an toàn đối với nguồn hydrocarbon như dầu và khí tự nhiên ở ngoài khơi - Biển Đông thường được ví như Vịnh Ba Tư mới bởi tiềm năng tài nguyên nằm sâu dưới đáy. Và dù còn những khác biệt đáng kể giữa hai khu vực làm phức tạp thêm phép so sánh - bao gồm mức độ dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên hóa thạch và chi phí phát triển và khai thác - đây vẫn là một phép so sánh tốt giúp ta hiểu tại sao Trung Quốc coi khu vực này có tầm quan trọng đối với lợi ích cốt lõi của mình.
Nhưng Bắc Kinh thực tế có thể đã đánh giá quá cao tầm quan trọng chiến lược của nguồn dầu và khí tự nhiện ở khu vực - và đang có những hành động liều lĩnh một cách không cần thiết có thể cản trở đến sự trỗi dậy hòa bình của mình.
Nhu cầu năng lượng "không đáy" của Trung Quốc để tiếp sức cho quá trình phát triển kinh tế sẽ trở nên ngày càng gay gắt khi nước này tiếp tục quá trình chuyển mình thành một công xưởng công nghiệp. Năm 2009, Trung Quốc chỉ vừa vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới; đến năm 2025, tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc dự báo sẽ cao hơn của Mỹ gần 50%. Để đảm bảo khả năng tiếp cận các tài nguyên năng lượng cần thiết cho phát triển kinh tế, Bắc Kinh đang xây dựng một loạt các nguồn năng lượng, bao gồm các đầu tư vào công nghệ mặt trời và phát triển thủy điện. Tuy nhiên, các nhiên liệu hóa thạch thông thường mà Trung Quốc đang đặt cược vào nhiều khả năng sẽ vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong kế hoạch của Bắc Kinh.
Kết quả, Bắc Kinh đang tích cực mở rộng nguồn cung cấp tài nguyên hóa thạch từ đa dạng các khu vực như Trung Đông, Trung Á và Biển Đông, trong nỗ lực nhằm giảm thiểu sự rủi ro từ bất kỳ nguồn dầu nào. Dầu từ Trung Đông phải vận chuyển qua Eo biển Malacca, nơi Trung Quốc thừa hiểu rằng sẽ nảy sinh những điểm dễ tổn thương chiến lược nếu bất kỳ quốc gia nào có ý định gây cản trở cho tuyến giao thông liên lạc đường biển này bằng cách làm gián đoạn hoạt động qua lại trên eo biển. Nếu Bắc Kinh định đầu tư của vào cơ sở hạ tầng đường ống năng lượng trên lục địa từ Trung Á cũng sẽ đồng nghĩa với việc dầu phải đi qua các nước trung gian đầy bất ổn như Myanmar và Pakistan và chuyển qua phía tây Trung Quốc, nơi ảnh hưởng của Bắc Kinh chưa đủ mạnh. Hệ quả tất yếu là, Bắc Kinh đang nhắm Biển Động như một con đường an toàn hơn để bảo đảm tiếp cận nguồn năng lượng cần thiết cho phát triển mạnh.
Tuy nhiên, kế hoạch của Bắc Kinh có thể chứa đựng nhiều sai sót. Có quá nhiều các ước tính khác nhau về quy mô trữ lượng hydrocarbon ở dưới đáy Biển Đông. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ tính toán, có khoảng xấp xỉ 28 tỷ thùng dầu - đủ để cung cấp cho nhu cầu thế giới trong khoảng 11 tháng, theo số liệu năm 2009. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc ước tính khu vực Biển Động chứa gần 200 tỷ thùng dầu, tức đủ phục vụ sức tiêu thụ dầu toàn cầu trong hơn 6,5 năm. Đa số các nhà phân tích nhận định, ước tính của Trung Quốc có phần quá lạc quan. Các con số một trời một vực ấy cần phải được chứng minh lại, tuy nhiên, những nỗ lực khảo sát trữ lượng nhiên liệu hóa thạch gần đây của các nước như Việt Nam đã liên tục bị Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc cản trở, trong đó nổi bật là hành động cắt cáp tàu khảo sát được thuê để tìm kiếm thông tin chính xác hơn.
Thực tế, việc tăng cường tỷ trọng các nhiên liệu thay thế sẽ làm thay đổi giá trị chiến lược của bất cứ nguồn tài nguyên nào nằm dưới đáy Biển Đông khi chúng có cùng mức giá với các nhiên liệu hóa thạch thông thường. Các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng nếu việc sản xuất các nguồn nhiên liệu thay thế này tiếp tục tăng nhanh như dự báo, trong vòng một thập niên nữa chúng sẽ có thể được cung cấp thương mại ở mức giá ngang với giá dầu hỏa.
Hơn nữa, không phải tất cả dầu ở mọi nơi đều được sản xuất giống như nhau, ít nhất là về mặt chi phí. Một số nhà phân tích ước đoán giá thành mỗi thùng dầu từ các giếng dầu sâu có thể cao gấp 4 lần mỗi thùng sản xuất từ các nguồn trữ lượng thông thường như ở Trung Đông. Do đó, chi phí khai thác dầu từ Biển Đông có thể tốn kém hơn nhiều so với chi phí sản xuất các nhiên liệu làm từ tảo, các sinh khối khác hay thập chí từ các nguồn "bẩn" hơn như than đá và khí tự nhiên, khiến dầu ở sâu dưới đáy biển trở nên ít có tầm quan trọng chiến lược hơn các nguồn tài nguyên khác.
Dù những tài nguyên hydrocarbon đó ở Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược hay không, Bắc Kinh dường như vẫn cứ khăng khăng nhìn nhận đó là như vậy. Vậy nên, không bất ngờ khi Trung Quốc ngày càng lựa chọn cách tiếp cận ăn thua trong việc bảo vệ khả năng tiếp cận các tài nguyên này, trở nên quyết liệt hơn với các nước láng giềng mà nước này nghi ngờ đang cố gắng một mình khai thác dầu và khí tự nhiên. Theo nghĩa đó, ngay cả lời kêu gọi cùng phát triển của Bắc Kinh cũng có thể bị coi là nỗ lực nhằm lừa bịp các nước khác bởi chính Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc vẫn cứ đang nhăm nhe phát triển các nguồn tài nguyên này trước.
Nhưng nỗ lực của Bắc Kinh có thể chỉ là trò cười nếu xu hướng năng lượng tiếp tục phát triển như dự báo, và đặc biệt nếu Biển Đông trở nên "khô hạn" về năng lượng (như ai đó đã nói). Kết quả, sự quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm mất đi ý nghĩa của tuyên bố về một sự trỗi dậy hòa bình và thúc đẩy các nước liên quan mời chào Mỹ đến duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Có thể, trong ngắn hạn, Mỹ sẽ tiến hành bước đi quan trọng nhất là tháo ngòi nổ căng thẳng trong khu vực nhằm phát đi thông điệp rằng những tài nguyên năng lượng này không giá trị như Bắc Kinh nhìn nhận. Cùng với đó, Mỹ có thể sẽ khuyến khích các quốc gia Đông Nam Á đứng đầu các nỗ lực đa phương thông qua các quan hệ đối tác như Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương để khảo sát các tài nguyên năng lượng hóa thạch, đính chính lại những điều còn chưa rõ ràng xung quanh khối lượng dầu và khí tự nhiên thực tế ở dưới đáy Biển Đông. Có lẽ, khi đó, Bắc Kinh sẽ nhận ra rằng canh bạc của mình đối với Biển Đông là một canh bạc chắc chắn sẽ thất bại.
Will Rogers là nhà nghiên cứu tại Trung tâm an ninh Mỹ mới, một viện nghiên cứu chính sách an ninh và quốc phòng phi đảng phái tại Washington, DC, nơi ông nghiên cứu về điểm giao nhau giữa chính sách tài nguyên thiên nhiên và chính sách an ninh quốc gia.