Việc Triều Tiên cho nổ tung một số đoạn đường bộ và đường sắt nối liền với Hàn Quốc vào ngày 15/10 là một trong những động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nhấn mạnh, hành động của Triều Tiên là "cực kỳ bất thường".
Trước đó, Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc điều khiển máy bay không người lái (UAV) bay qua thủ đô Bình Nhưỡng. Hàn Quốc không xác nhận, cũng như không phủ nhận cáo buộc này.
Hôm 14/10, em gái Chủ tịch Kim Jong Un là bà Kim Yo Jong cảnh báo “khoảnh khắc một UAV của Hàn Quốc bị phát hiện một lần nữa xuất hiện trên bầu trời thủ đô Triều Tiên, chắc chắn sẽ dẫn đến một thảm họa khủng khiếp”.
Chia sẻ với Business Insider, giới chuyên gia nhận định việc Triều Tiên phá hủy các con đường chủ yếu mang tính biểu tượng, và không có khả năng dẫn đến chiến tranh với Hàn Quốc.
"Hầu hết các tuyến đường liên Triều đã bị đóng cửa kể từ năm 1953", ông Jim Hoare, nhà sử học và cựu nhà ngoại giao Anh tại Triều Tiên cho biết.
Theo ông Hoare, hành động phá hủy của Triều Tiên “chỉ mang tính biểu tượng, và không ảnh hưởng gì đến tình hình thực tế. Nếu đang lên kế hoạch tấn công, họ sẽ không cho nổ tung các tuyến đường", ông Hoare nói.
Triều Tiên cho phát nổ trên đường Gyeongui và Donghae. Video: Yonhap
Ông Edward Howell, thành viên Quỹ Hàn Quốc tại Chatham House, cũng cho rằng sự leo thang ngày càng gia tăng "đều là một phần trong chiến lược hiện tại của Triều Tiên, đó là chiến lược bên miệng hố chiến tranh".
Theo ông Howell, trong quá khứ, Triều Tiên từng tăng cường các hành động khiêu khích vào những năm bầu cử của Mỹ. "Họ muốn thử nghiệm, và xem liệu Mỹ có nhượng bộ hay không", ông nói.
Ông Peter Ward, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong ở Seoul, nói với tờ Financial Times rằng đối với Triều Tiên, "việc phá hủy các con đường đóng vai trò như một cảnh tượng kịch tính để khán giả trong nước và quốc tế thấy sự thù địch và bất bình của họ đối với Hàn Quốc”.
"Đó là cách họ thu hút sự chú ý mà không kéo theo phản ứng quân sự. Bởi vì cuối cùng, tất cả những gì họ đang làm là phá hủy những con đường ở bên họ. Nếu một ngày nào đó họ muốn xây dựng lại chúng, thứ duy nhất họ có rất nhiều là bê tông", ông Peter nhấn mạnh.
Căng thẳng Hàn Quốc - Triều Tiên đã âm ỉ kể từ trước khi cuộc chiến liên Triều chia cắt hai miền vào năm 1953. Cách tiếp cận của Triều Tiên trước đây là hướng tới thống nhất, nhưng điều đó đã dần thay đổi.
Vào năm 2020, Triều Tiên đã cho nổ tung Văn phòng liên lạc chung liên Triều tại Kaesong. Tới tháng 12/2023, truyền thông Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố ông sẽ không còn tìm cách thống nhất hai miền, và xem Hàn Quốc là quốc gia thù địch.
Tới ngày 17/10, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Quốc hội nước này đã hoàn thành việc sửa đổi hiến pháp, qua đó xác định rõ ràng Hàn Quốc là "quốc gia thù địch".
Theo Bloomberg, thương mại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã giảm xuống gần bằng 0 từ mức 2,7 tỷ USD vào năm 2015.
Còn theo phân tích của Bloomberg Economics, một cuộc chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 4.000 tỷ USD trong năm đầu tiên.