Ngày 16/10, Đoàn công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Điện Biên. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và ông Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Điện Biên; đại diện các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ TT&TT và lãnh đạo một số Sở, Ngành tỉnh Điện Biên. 

PSX_20241016_111311 1.jpg
Buổi làm việc giữa Bộ TT&TT với tỉnh Điện Biên. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và kết quả quản lý nhà nước ngành TT&TT của tỉnh.

Tỉnh Điện Biên cũng đề xuất với Bộ TT&TT hỗ trợ triển khai sổ sức khoẻ điện tử, sổ tay Đảng viên điện tử, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở, hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Điện Biên thông qua chuyển đổi số, tăng cường tuyên truyền về tỉnh trên báo VietNamNet…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các đề xuất của tỉnh Điện Biên, Bộ hoàn toàn có thể hỗ trợ và triển khai nhanh chóng.

Cụ thể, về sổ sức khoẻ điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu tỉnh Điện Biên tiên phong làm thì Bộ TT&TT sẽ kết nối với Bộ Y tế để làm thí điểm. 

PSX_20241016_113206 1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp những đề xuất của tỉnh Điện Biên về ứng dụng công nghệ số. Ảnh: Lê Anh Dũng

Về sổ tay Đảng viên, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay đã có nhiều tỉnh áp dụng, do đó, việc triển khai tại Điện Biên là hoàn toàn khả thi. Để giải quyết nội dung trên, đại diện Tập đoàn Viettel cam kết sẽ hoàn thiện và để tỉnh Điện Biên sử dụng trước ngày 22/12 năm nay. 

Trong suốt 3 tiếng đồng hồ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã lắng nghe và giải đáp nhiều ý kiến của các đại biểu tỉnh Điện Biên.

Trong đó, việc nâng cấp truyền thanh cơ sở, xử lý SIM rác, thêm ngôn ngữ dân tộc thiểu số vào Cổng dịch vụ công... đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải quyết và chốt tiến độ hoàn thành cụ thể.

Người dân Điện Biên cùng lúc nghe 1 thông điệp

Về hệ thống truyền thanh cơ sở, tại buổi làm việc, đại diện Sở TT&TT tỉnh Điện Biên cho biết, đến nay tỉnh đã nâng cấp hệ thống truyền thanh thông minh đạt 75%. Hiện còn một số xã vẫn đang dùng hệ thống truyền thanh cũ. 

Nhấn mạnh vai trò của truyền thanh cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, truyền thanh cơ sở có thể làm được những việc mà các báo, đài Trung ương và địa phương không thể làm được. Một trong số đó là cùng lúc truyền thông điệp của cấp uỷ, chính quyền đến tất cả người dân cùng một thời điểm. 

PSX_20241016_201619.jpg
Ông Chu Tiến Đạt, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty VTC cam kết tại buổi làm việc sẽ đồng hành cùng Điện Biên hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở trước 15/12. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số hiện nay có thể kết nối tất cả hệ thống truyền thanh cơ sở thành một đài phát thanh tổng.

“Mỗi xã, phường, thị trấn sẽ có khoảng 10 cụm loa ở thôn, bản. Như vậy, toàn tỉnh sẽ có trên 1.000 hệ thống truyền thanh được tích hợp thành một đài thống nhất. Khi hoàn thiện, một thông điệp của Bí thư Tỉnh uỷ đẩy vào, hệ thống có thể tạo được giọng đọc AI hoặc giọng đọc thật, sau đó chỉ một thao tác, tất cả người dân trong tỉnh sẽ cùng lắng nghe được thông điệp trên”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. 

Để làm được việc trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Điện Biên phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật truyền thanh cơ sở. Trong đó, đầu tư hệ thống truyền thanh ở những xã chưa được đầu tư là việc làm cấp bách.

Về kỹ thuật, để kết nối tất cả các đài truyền thanh thành một đài thống nhất, trước đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về cách làm và tiến độ triển khai, ông Chu Tiến Đạt, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty VTC cam kết sẽ đứng ra nhận nhiệm vụ triển khai và hoàn thành trước ngày 15/12 năm nay. 

Mạnh tay với SIM rác 

Trao đổi tại buổi làm việc, Đại tá Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên nêu nhóm vấn đề hiện nay khiến người dân gặp khó khăn. Đầu tiên là vấn nạn SIM rác, tiếp đó là đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên chưa tiếp cận được dịch vụ công do chưa thông thạo ngôn ngữ phổ thông...

PSX_20241016_104458.jpg
Đại tá Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Giải đáp các vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đối với vấn nạn SIM rác, trong suốt gần 4 năm qua, Bộ TT&TT đã làm rất quyết liệt, tuy nhiên vẫn chưa xử lý triệt để. 

“Nguyên nhân của SIM rác là do các nhà mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sắp tới, Bộ TT&TT sẽ dừng phát triển thuê bao mới của nhà mạng 2 tháng nếu để xảy ra tình trạng SIM rác. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi Công an tỉnh Điện Biên phát hiện SIM rác thì cung cấp đến Cục Viễn thông, Cục sẽ căn cứ vào văn bản của Công an tỉnh để xử lý các nhà mạng.

Đề cập về SIM rác, Bộ trưởng dẫn chứng câu chuyện có thật về một cụ già 75 tuổi, cả đời tích góp được 1 tỷ đồng để dưỡng già thì bị kẻ lừa đảo thông qua SIM rác chiếm đoạt tất cả. 

PSX_20241016_201721.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, SIM rác xuất hiện là do các nhà mạng. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Nếu nạn nhân bị lừa đảo là bố mẹ mình thì ai cũng sẽ uất ức”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, đồng thời cho biết, từ nay trở đi, không riêng Điện Biên mà 63 tỉnh, thành phố nếu phát hiện SIM rác sẽ tạm dừng phát triển thuê bao mới của nhà mạng.

Cam kết với Bộ trưởng tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc khẳng định sẽ xử lý nghiêm theo yêu cầu của Bộ trưởng đưa ra.

PSX_20241016_112939 1.jpg
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định sẽ xử lý mạnh tay với vấn nạn sim rác. Ảnh: Lê Anh Dũng

Về việc đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận các dịch vụ công do rào cản ngôn ngữ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Điện Biên có thể triển khai cung cấp dịch vụ công bằng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số. Qua thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất lựa chọn tiếng Mông là ngôn ngữ áp dụng thí điểm cho cổng dịch vụ công.

PSX_20241016_112834 1.jpg
Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên gợi ý về ngôn ngữ người Mông khi áp dụng trên cổng dịch vụ công. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nêu vấn đề, bản thân ông là người dân tộc Mông nên hiểu rõ, tiếng Mông cũng chia nhiều ngôn ngữ khác nhau, không phải tất cả người Mông đều dùng chung một ngôn ngữ. Do đó, khi triển khai, cần quan tâm đến chữ viết và âm thanh sao cho tất cả đồng bào người Mông có thể tiếp cận được.

Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi cung cấp thêm ngôn ngữ sẽ kèm theo trợ lý ảo để hướng dẫn người dân sử dụng. Do đó, sẽ có phần tiếng và chữ viết. Đối với âm thanh, đơn vị triển khai sẽ đẩy dữ liệu tất cả các tiếng Mông, còn chữ viết thì sẽ chọn một loại ngôn ngữ.

Càng khó khăn càng nhanh chóng chuyển lên không gian số

Trao đổi về cuộc cách mạng chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, Việt Nam có 3 lợi thế đặc biệt để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số. 

Đầu tiên là Việt Nam có Đảng lãnh đạo nên dễ triển khai; hai là người Việt Nam phù hợp với công nghệ số, và nước ta có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, vươn ra toàn cầu; ba là người Việt Nam thích đổi mới, sáng tạo và sẵn sàng đón nhận cái mới.

PSX_20241016_111515 1.jpg
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Càng khó khăn bao nhiêu ở không gian hiện tại thì càng nhanh chóng chuyển lên không gian mới - không gian số". Ảnh: Lê Anh Dũng

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số đã tạo ra nhiều yếu tố đặc biệt khi tạo ra tài nguyên mới, không gian mới... Đối với tài nguyên mới, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đó chính là dữ liệu - do chính con người tạo ra, càng sử dụng nhiều thì dữ liệu càng nhiều; tài nguyên dữ liệu là tài nguyên vô hạn, nhiều người cùng khai thác và dữ liệu là căn bản và cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số. 

Đặc biệt nhấn mạnh đến không gian sống mới khi thực hiện chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, không gian số sẽ giải quyết những bài toán "thiên niên kỷ" mà không gian vật lý đang đối mặt; không gian số càng đặc biệt khi không gian này do chính con người tạo ra. 

Đề cập đến thực trạng của tỉnh Điện Biên phụ thuộc vào hạ tầng giao thông đường bộ bị uy hiếp bởi thiên tai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trên không gian số sẽ không chịu ảnh hưởng bởi vật lý, tự nhiên. Không gian số cho phép con người có thể học tập, hội họp trong điều kiện thiên tai. 

PSX_20241016_181554.jpg
Lễ kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban cán sự đảng Bộ TT&TT và Tỉnh ủy Điện Biên. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Càng khó khăn bao nhiêu ở không gian hiện tại thì càng nhanh chóng chuyển lên không gian mới - không gian số. Phát triển không gian số sẽ tác động tích cực đến không gian vật lý", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.  

Để đẩy nhanh và tạo chuyển biến rõ rệt về thứ hạng chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý, tỉnh Điện Biên cần ban hành quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp vận hành và thành thạo sử dụng các công nghệ số. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay hạ tầng số xếp ngang hàng với hạ tầng giao thông và hạ tầng điện. Do đó, việc quan tâm đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng viễn thông đòi hỏi cấp bách của tỉnh Điện Biên. Trong đó, việc chính quyền và các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh phủ sóng trên toàn tỉnh sẽ thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng số.  

PSX_20241016_181727.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong khuôn khổ buổi làm việc giữa Bộ TT&TT với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên, các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban cán sự đảng Bộ TT&TT và Tỉnh ủy Điện Biên; 

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Quốc Cường nhấn mạnh, những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc đã chuyển tải nhiều thông điệp vừa mang tính chiến lược, vừa cụ thể từng nhiệm vụ.

"Tỉnh sẽ bắt tay ngay vào cụ thể hoá những nội dung hợp tác giữa Bộ TT&TT với tỉnh, giữa các doanh nghiệp với tỉnh", ông Trần Quốc Cường chia sẻ.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Cường nhấn mạnh, Điện Biên hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những khi gặp khó khăn, đức tính vươn lên của người Việt Nam sẽ giúp tỉnh vượt lên thông qua ứng dụng công nghệ số.

Trước đó, vào đầu giờ sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ.

PSX_20241016_111147.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ TT&TT dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Anh Dũng
PSX_20241016_112228.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Anh Dũng
PSX_20241016_105623.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Anh Dũng
PSX_20241016_110102.jpg
Đoàn công tác Bộ TT&TT trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Anh Dũng