Cảng cá Quy Nhơn là cảng cá loại II, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu có chiều dài đến 40m. Tổng sản lượng bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm, trong đó tổng sản lượng thủy sản lên cảng đạt 37.000 tấn/năm. Bình quân tàu thuyền khai thác thủy sản ra, vào tại cảng cá Quy Nhơn gần 4000 tàu/năm.

Chia sẻ tại Hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UNDP Việt Nam thông qua Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) tổ chức mới đây, TS. Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết: Chất thải nhựa từ các hoạt động thủy sản tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có thể kể đến các loại bao bì nhựa chứa sản phẩm thủy sản từ các tàu cá cập cảng; các tàu cá neo đậu tại vùng nước cảng cá; các loại bao bì, thùng xốp từ các xe vận chuyển thủy sản nơi khác đến chợ cá của cảng cá; các loại bao bì lót đá, bao đá của các xe chở đá cung cấp cho tàu cá; các thải từ các hộ dân sống liền kề với cảng cá, đồng thời rác thải từ các sông, đầm đổ ra biển. Bên cạnh đó là lượng rác thải từ các hoạt động thu mua, dịch vụ trên cảng khoảng 15kg/1 ngày; lượng rác thải nhựa hàng ngày trong vùng nước khu vực cảng cá khoảng 5kg/1 ngày.

4 rac tai cang ca quy nhon 2910 ok.jpg
Nếu được thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế cùng với cơ chế thu gom rác thải nhựa trên các tàu cá khi cập cảng sẽ góp phần tạo ra diện mạo mới cho một cảng cá xanh tại thành phố Quy Nhơn.

TS. Trần Văn Vinh cho biết, qua phân tích dữ liệu thu thập từ phiếu điều tra, phỏng vấn 100 tàu cá ra, vào cảng cá Quy Nhơn; phân tích lượng rác thải sinh hoạt và bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá trong một chuyến biển cho thấy: Bình quân trong 1 tháng có 300 tàu cá khai thác về cập bến tại cảng cá Quy Nhơn đã xả thải ra đại dương lượng rác thải nhựa khoảng 4.158 tấn, lượng nhôm lon là 0.86 tấn và khi vào bờ xả ra lượng bì nhựa chứa đựng, bảo quản sản phẩm thủy sản là 1.75 tấn.

Lượng chất thải rắn trong sinh hoạt thuyền viên trong chuyến đi biển như chai nhựa, bì nhựa, lon nhôm… của các tàu cá cập cảng cá Quy Nhơn trong 1 tháng khoảng 4.158 tấn, lượng nhôm lon là 0.86 tấn. Nếu được thu hồi khi vào bờ, thu gom, phân loại và bán cho cơ sở phế liệu sẽ tạo ra một giá trị 33.270.880 đồng (tính trung bình 8000 đ/kg phế liệu). Đây là nền tảng trong kinh tế tuần hoàn, đồng thời góp phần làm giảm bớt sức tải về môi trường mà đại dương phải gánh chịu bởi rác thải nhựa. 

Nếu được thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế cùng với cơ chế thu gom rác thải nhựa trên các tàu cá khi cập cảng sẽ góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho các công nhân vệ sinh cảng, các lao động tự do thu gom tại cảng, góp phần tạo ra diện mạo mới cho một cảng cá xanh tại thành phố Quy Nhơn.

Vì vậy, TS. Trần Văn Vinh đề xuất cần nâng cao nhận thức cho thuyền viên tàu cá và các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động dịch vụ thủy sản tại khu vực cảng cá thông qua các hình thức: Truyền thông lên hệ thống loa phát thanh tại cảng. Cùng với đó là cung cấp tờ rơi; bảng cam kết môi trường trên các tàu cá, doanh nghiệp tại cảng; Pano chỉ dẫn; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn xử lý rác thải nhựa tại hiện trường; xây dựng và ban hành Quy định về quản lý thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên các tàu cá và tại các cảng cá. 

Bên cạnh đó là xây dựng quy trình về kiểm soát, xử lý chất thải nhựa trên các tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn. Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tàu cá không tuân thủ theo quy định về quản lý rác thải nhựa trên tàu thuyền khi ra vào cảng cá Quy Nhơn. Thí điểm mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá đưa vào bờ tại nơi thu gom của cảng cá theo mô hình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Ngọc Chính và nhóm PV, BTV