Ví điện tử sẽ phát triển thành kênh thanh toán dịch vụ công trực tuyến. |
Tại Hội thảo lấy ý kiến thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và VCCI tổ chức vào 10/5/2019 tại Hà Nội, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, dự thảo sửa đổi thông tư 39 bổ sung một điều khoản vô cùng quan trọng đối với hoạt động trung gian thanh toán đó là bổ sung điều 9a quy định về hoạt động bù trừ điện tử, bao gồm: Thiết lập và điều chỉnh hạn mức bù trừ điện tử, ký quỹ để thiết lập hạn mức, xử lý giao dịch qua thanh toán hệ thống bù trừ điện tử, quy định về quyết toán và các biện pháp quản lý rủi ro, đảm bảo thanh khoản trong hệ thống bù trừ điện tử.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, hệ thống bù trừ điện tử là hạ tầng để các tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng kết nối vào trong cùng một hệ thống. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống bù trừ điện tử, nếu một ví điện tử phát triển dịch vụ với bao nhiêu ngân hàng thì phải đi làm việc để kết nối với từng ngân hàng một. Ví dụ, ví điện tử Momo kết nối với 15 ngân hàng thì phải đàm phán để kết nối riêng với 15 ngân hàng, ngược lại một ngân hàng kết nối với bao nhiêu ví điện tử cũng vậy. Điều này gây khó khăn cho các ví điện tử khi triển khai dịch vụ. Nếu có một cổng bù trừ điện tử là dịch vụ công của nhà nước, thì ví điện tử chỉ cần kết nối vào cổng bù trừ điện tử là có thể kết nối với đủ các ngân hàng đã kết nối vào cổng đó. Cổng bù trừ điện tử giống như một trung tâm dịch vụ chuyển mạch, các nước họ có một cổng duy nhất để các ví điện tử và các ngân hàng kết nối với nhau.
“Không có nước nào mà ví điện tử và ngân hàng kết nối với nhau như mạng nhện, việc Việt Nam xây dựng cổng bù trừ điện tử là để xóa bỏ những mạng nhện này”, ông Phạm Tiến Dũng phát biểu.
Trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ví điện tử sẽ là một kênh quan trọng để người dân thanh toán khi sử dụng các dịch vụ công. Dự báo, ví điện tử dùng thanh toán dịch vụ công sẽ chiếm tỷ trọng rất lớn. Hiện nay có một số ví điện tử đã bắt đầu phát triển các dịch vụ để thanh toán cho các trường học thu học phí, hoặc kết hợp với các đơn vị hành chính công để chuẩn bị để người dân có thể trả phí dịch vụ công qua ví điện tử.
Theo báo cáo phân tích của NHNN, trên thế giới hiện nay, việc triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (hệ thống ACH) đã trở thành một phần thiết yếu của cơ sở hạ tầng thanh toán của bất kỳ quốc gia nào. Tại Việt Nam việc triển khai hệ thống ACH đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Nghiên cứu thông lệ quốc tế cho thấy, các giao dịch thanh toán qua hệ thống tự động ACH thường là các giao dịch nhỏ lẻ, giá trị thấp, có khối lượng lớn được xử lý 24/7/365, phương thức xử lý về cơ bản được thực hiện tương tự như dịch vụ bù trừ điện tử, chuyển mạch tài chính.
Dịch vụ bù trừ điện tử, chuyển mạch tài chính là các dịch vụ trung gian thanh toán, hiện đang được quy định tại thông tư 39/2014/TT-NHNN, tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức độ định nghĩa, chưa có các quy định hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể. Do đó, dự thảo Thông tư đã bổ sung nội dung quy định về hoạt động bù trừ điện tử, nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc triển khai hệ thống ACH tại Việt Nam.
Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 9/2018, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho doanh nghiệp Viettel, VNPT làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân.
Bộ TT&TT cho biết, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hầu hết đều có tiềm lực mạnh về khoa học, cộng nghệ, tài chính, có hạ tầng và những kênh bán hàng rộng khắp trên cả nước. Do đó, việc cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng hiệu quả thế mạnh sẵn có góp phần thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Trả lời kiến nghị của Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc này. Trước đề nghị của Viettel, VNPT xin phép cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng với các doanh nghiệp, cá nhân, Thủ tướng yêu cầu các 2 doanh nghiệp này hoàn thiện hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
Hiện tại chỉ có Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) là công ty duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng. Nếu VNPT và Viettel được cấp phép thì NAPAS sẽ có thêm 2 đối thủ nặng ký khi những doanh nghiệp này nắm tới gần 100 triệu thuê bao di động của Việt Nam.