Xã hội cần có sự vinh danh tất cả các em như nhau, không nên quá cứng nhắc trong tiêu chí “giàu – nghèo” và nhất là không nên để bị chi phối bởi tâm lý “con nhà giàu thường hư hỏng”.
Thi công chức: Thủ khoa, thạc sĩ 'xịn' trượt còn dài dài
Thủ khoa đại học thất nghiệp: Có gì bất thường?
Thủ khoa Mỹ, thủ khoa Việt và cánh cửa cơ hội
Vừa qua, khi đọc bài Tại sao không phải là “con đại gia đỗ thủ khoa"? của tác giả Nguyễn Quốc Vương trên Tuần Việt Nam, tôi xin mạo muội chia sẻ tiếp hai vấn đề mà bản thân cũng rất trăn trở dưới đây:
1. Các bạn trẻ nếu thực giỏi và có ý chí thì có nên để cha mẹ âm thầm, lặng lẽ hy sinh cho ước mơ của riêng mình?
Trong bài viết của mình anh Nguyễn Quốc Vương có đề cập: “Lâu nay, sau mỗi kỳ thi Olympic quốc tế hay đại học, trên các trang báo lại tràn ngập tin, bài về các tấm gương “con nhà nghèo học giỏi”. Như bố mẹ sửa khóa con giành huy chương vàng quốc tế; Bố mẹ ăn xin nuôi con thi đỗ thủ khoa đại học; Bố sống 10 năm trong ống cống nuôi con thủ khoa đại học; Bố mẹ phu hồ con trai đạt 02 huy chương vàng Olympic; Bố lái xe, mẹ bán thịt bò, con HCV Vật lý quốc tế; Học trò nghèo quê lúa giành HCV Olympic Toán Quốc tế 2015….
Người viết bài chợt nhớ một câu chuyện có thật. Có một người bạn (anh hiện là một bác sĩ) trước đây cũng thuộc diện “con nhà nghèo học giỏi”. Suốt thời học sinh anh là niềm tự hào vô bờ bến của mẹ mình. Anh mồ côi cha từ nhỏ, mẹ anh là công nhân vệ sinh quét dọn đường phố. Nhiều lần nhìn cảnh mẹ mình cực khổ, vất vả làm lụng nuôi mình ăn học, anh muốn nghỉ học để đi làm gì đó đỡ đần cho mẹ.
Tuy vậy, anh lại không có dũng khí để “cụ thể hóa” suy nghĩ ấy của mình vì cái ước mơ phải trở thành “bác sĩ cứu người” trong anh lúc đó nó mạnh mẽ hơn. Mẹ anh dĩ nhiên cũng biết ước mơ của anh và ủng hộ anh tuyệt đối. Cho nên, suốt thời gian khi còn là học sinh THPT anh luôn là “học sinh giỏi toàn diện” và nghĩ rằng thành tích này là món quà ý nghĩa nhất để báo đáp cho mẹ.
Rồi anh thi đậu vào Trường ĐH Y- Dược như một lẽ tất nhiên. Thế nhưng, khi anh chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, cũng là lúc mẹ anh đã kiệt quệ sức lực và qua đời vì bệnh ung thư phổi (lâu nay vì lo cho anh và muốn anh yên tâm học tập nên bà đã giấu).
Sau này, anh bạn tâm sự với tôi rằng, ngay lúc mẹ qua đời anh dù rất đau buồn, đất trời sụp đổ dưới chân nhưng vẫn rất “mạnh mẽ”. Anh tự nhủ nhất định phải hoàn thành ước mơ trở thành “bác sĩ cứu người” để “mẹ anh được nở nụ cười mãn nguyện nơi...chín suối”. Thế nhưng, ngay chính cái ngày anh mang tấm bằng bác sĩ về thắp hương lên bàn thờ mẹ mình (như để báo cho mẹ biết) anh lại thấy ăn năn và hối hận vô cùng. Lúc đó anh mới biết thời gian qua anh đã sống quá ích kỷ. Tại sao lại để mẹ mình hy sinh quá nhiều, kể cả mạng sống của bà cho ước mơ của riêng anh (cho dù đó là một sự tự nguyện hy sinh vì có cha mẹ nào không thương con)?
Và anh còn nói một câu (như là một lời tâm sự, nhắn nhủ chung với tư cách cá nhân) làm tôi suy nghĩ đến bây giờ: Cha mẹ chỉ sống một lần duy nhất ở kiếp này với mình, nếu mình thực sự có ý chí và là người giỏi thực sự thì không nên để cha mẹ hy sinh đến vậy. Bây giờ mình đã hoàn thành ước mơ thì cha mẹ cũng không còn, liệu những lời khen ngợi, tung hô của mọi người và niềm tự hào của riêng bản thân mình có trọn vẹn và xứng đáng. Cha mẹ “đang nở nụ cười nơi... chín suối” là ở đâu mình có biết không?
Lễ vinh danh thủ khoa các trường Đại học tại Hà Nội năm 2010. Ảnh:
Gdtd.vn
|
Thực lòng thì qua bài viết của tác giả Nguyễn Quốc Vương cũng như qua câu chuyện của anh bạn ở trên, bản thân tôi cũng không dám kết luận bất cứ điều gì xung quanh vấn đề này. Bởi lẽ, nói cho cùng việc lựa chọn một lối đi nào đó cho cuộc đời là quyền cá nhân của mỗi người, không ai có quyền can thiệp hay phê phán.
Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề là chắc chắn đằng sau mọi quyết định sự lựa chọn ít nhiều sẽ cho thấy một “thái độ sống và ứng xử” của một cá nhân. Và thái độ ấy là một trong những dấu hiệu quan trọng giúp người đời nhận ra giá trị (phẩm cách, tâm hồn) của một con người.
2. Học bổng cho “con nhà giàu học giỏi” - tại sao không?
Cần phải khẳng định việc trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên thuộc diện “con nhà nghèo học giỏi” mà xã hội đang làm hiện nay là cần thiết. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, bởi trước hết là kịp thời động viên, khuyến khích các em dù khó khăn nhưng đã không đầu hàng hoàn cảnh để vươn lên.
Tuy vậy, tôi cho rằng, mọi người cũng nên có cái nhìn “thoáng” hơn một chút với trường hợp các em học sinh, sinh viên thuộc diện “con nhà giàu học giỏi” nếu như các em này cũng có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Vì sao?
Vì lẽ, nếu chúng ta biết rằng, ở phương diện nào đó, các em thuộc diện “con nhà nghèo” suy cho cùng chỉ có một con đường duy nhất là cố học cho thật giỏi, hy vọng tương lai sẽ thoát khỏi nghèo khó, trong khi đó các em thuộc diện “con nhà giàu” có đầy đủ “điều kiện và cơ hội” để ăn chơi nhưng các em không những không ăn chơi, không bị hư hỏng, sa ngã mà còn học rất giỏi, thì rõ ràng đây cũng là một cách tự đấu tranh để “chiến thắng bản thân”.
Từ góc nhìn này tôi cho rằng nếu xem việc trao học bổng với nghĩa nhằm kịp thời động viên các em có ý thức tự lập vươn lên, không cam chịu hay không ỷ lại trong cuộc sống thì nên chăng xã hội cần có sự vinh danh tất cả các em như nhau, không nên quá cứng nhắc trong tiêu chí “giàu – nghèo”, nhất là không nên để bị chi phối bởi tâm lý “con nhà giàu thường hư hỏng”.
Hơn nữa, có em tuy là “con nhà giàu” nhưng lại không trông chờ vào tài sản, tiền bạc của cha mẹ, có em tự đi làm thêm để kiếm sống thì nói cho cùng các em cũng thuộc diện.. nghèo chứ giàu có gì đâu.
Một vấn đề nữa, việc trao học bổng của chúng ta hiện nay đa phần chỉ mới dừng lại ở việc làm mang tính... từ thiện trong cái nhìn “ngắn hạn” hơn là nhắm tới mục tiêu lâu dài là nuôi dưỡng, bồi đắp những tài năng cho đất nước? Một phần quà và một khoản tiền nào đó trao cho các em diện “con nhà nghèo học giỏi”, nói cho cùng chỉ giúp các em cải thiện khó khăn nhất thời rồi sau đó các em lại phải tiếp tục “tự bơi”.
Mà một mình “tự bơi” trong một quãng đường rất dài và rất xa của cuộc đời thì rất dễ bị “hụt hơi” và “chết đuối” giữa chừng. Cho nên, cuối cùng việc trao học bổng như thế chẳng qua chỉ là cách “cho con cá” chứ không phải “tặng cần câu”, một sự cách mạng mang nặng tính “chủ nghĩa bình quân” và “cào bằng” thiên về số lượng hơn là nhắm tới việc tìm kiếm “tinh hoa”...
Từ đây, theo tôi, xã hội cần có cái nhìn xa hơn nữa trong vấn đề trao học bổng cho những học sinh, sinh viên được đánh giá là “giỏi” thông qua thành tích học tập. Việc trao học bổng làm sao phải bảo đảm cho các em phát huy, phát triển tốt nhất khả năng của mình trong tương lai. Và như vậy, khi tiến hành xem xét để quyết định trao học bổng, ngoài tiêu chí giàu – nghèo, cần tính đến yếu tố về năng lực tư duy của các em, xem có thể “chạy” đường dài được không?
Thiển nghĩ, đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng nếu chúng ta muốn thông qua việc làm này để tìm kiếm những nhân tài thực sự nhằm xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.
Nguyễn Trọng Bình