Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Đặc biệt, tại khu vực đô thị 3 chiếm tới 60%. 

anh bai 1.jpg
Việc ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện vẫn còn rất nhiều thách thức. 

Thời gian qua, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt vẫn tăng hàng năm. Tuy nhiên, do lượng phát sinh lớn, trong khi năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều địa phương vẫn còn thấp. 

Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16%/năm. 

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày rất lớn nhưng điều đáng nói là việc thu gom và xử lý loại chất thải này vẫn chưa đạt yêu cầu cả về chất lượng lẫn số lượng.

Nói như vậy là bởi, cả nước hiện đang có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost (phân hữu cơ) tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. 

Hiện nay, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh.

Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Quốc hội đã đưa ra mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89 - 90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt còn nhiều vướng mắc, trong đó có công nghệ xử lý rác thải.

Những năm gần đây, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam được lựa chọn và áp dụng tập trung chủ yếu các công nghệ như: Chôn lấp; đốt thu hồi năng lượng; tái chế thành phân hữu cơ vi sinh và một số công nghệ xử lý chất thải rắn khác. 

Trong số đó thì công nghệ xử lý bằng chôn lấp đang được nhiều địa phương áp dụng. Công nghệ xử lý bằng chôn lấp đơn giản, dễ vận hành, giá thành đầu tư và chi phí vận hành thấp nhất so với các công nghệ khác, có thể xử lý được nhiều loại chất thải rắn khác nhau.

Tuy nhiên, nhược điểm của việc chôn lấp nếu không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường sẽ xảy ra vấn đề rò rỉ nước thải gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa phương pháp này chiếm nhiều diện tích đất, không phù hợp với hướng đô thị hóa hiện nay. Vì thế cần áp dụng một phương pháp khác tối ưu hơn.

Theo các chuyên gia, thay vì chôn lấp như hiện nay, Việt Nam cần phải chuyển dịch sang sử dụng các công nghệ khác như tái chế, phân hủy sinh học, chuyển đổi thành năng lượng... Và hiện nay, các công nghệ này đang được triển khai và mở rộng trong một số thành phố lớn và khu vực tại Việt Nam, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm tác động tiêu cực lên môi trường từ việc chôn lấp rác. 

Đơn cử như tại Cần Thơ, hiện đã chính thức đưa vào vận hành dự án với công nghệ hiện đại như điện rác với công suất 400 tấn/ngày đêm và một số dự án điện rác khác đang thực hiện; tương tự tại Hà Nội cũng đã vận hành nhà máy điện rác với công suất 4000 tấn/ngày đêm... 

Tại hội thảo về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng, việc ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, bộ, ngành và địa phương cũng như các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân, nhà nghiên cứu để giải quyết triệt để.

Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn phải hướng tới sự phát triển và ứng dụng thực tế những giải pháp công nghệ xử lý chất thải toàn diện nhất, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Nguyễn Hạnh và nhóm PV, BTV