Cần trường chuyên để tránh "thằng chột làm vua xứ mù", và bởi vì “nếu không vào các môi trường thách thức với các đối thủ xứng tầm thì dễ sa vào tự mãn, và cũng mòn dần khả năng và sự nỗ lực cần có để vươn lên” – là quan điểm của anh Kim Ngọc Minh, Thạc sĩ giáo dục.

 

Nói gì cũng phải có dẫn chứng, số liệu

Khi tranh luận về sự tồn tại của hệ thống trường chuyên được xới lên, một số người đã từng là học trò giỏi trường chuyên, trưởng thành và thành công trong sự nghiệp hiện tại, đã nêu quan điểm là đến thời điểm này, giáo dục Việt Nam không nên có hệ thống trường chuyên. Anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ nên tách riêng vị trí của những người xuất thân từ hệ chuyên hay không phải hệ chuyên, với những ý kiến của họ. Quan điểm với một việc quan trọng như vậy, theo tôi chỉ có giá trị khi phải có dẫn chứng, số liệu, luận điểm khách quan, không phụ thuộc vào cá nhân con người đó là ai, đã từng học ở đâu.

 

{keywords}
Anh Kim Ngọc Minh

Anh có thể trả lời câu hỏi mà anh Giáp Văn Dương đưa ra không: “Học chuyên để làm gì?”? Anh cho rằng anh, bạn bè và cả xã hội được gì – mất gì khi học chuyên?

- Trong ngành Giáo dục năng khiếu và tài năng  (GATE - Gifted and Talented Education), nhiều chuyên gia cho rằng các "big fish" cần được bơi trong "big pond" - nghĩa là học sinh có năng lực - nỗ lực vượt trội thì cần học tại các mô hình chuyên chọn. Để chạy cùng tốc độ, để thách thức trí tuệ của nhau, để nhìn nhau cùng học nhau mà vươn lên.

Và quan trọng hơn, theo tôi, có lẽ là để tránh "thằng chột làm vua xứ mù", khi mà nếu không vào các môi trường thách thức với các đối thủ xứng tầm thì dễ sa vào tự mãn, và cũng mòn dần khả năng và sự nỗ lực cần có để vươn lên nữa.

Trong câu chuyện này, khi học chuyên, không nhất thiết phải định hướng cứng nhắc là sẽ làm ngành này ngành nọ vì xã hội thay đổi nhanh, nhiều ngành nghề mới xuất hiện liên tục. Vì vậy ở một khía cạnh nhất định, học chuyên như là một cách rèn luyện "thể dục" trí tuệ.  Từ đó  có "sức khoẻ" trí tuệ tốt, sau này thích ứng tốt các việc yêu cầu sự quyết tâm - sự chăm chỉ- sự tập trung -  tốc độ xử lý vấn đề.

Vấn đề được - mất là trải nghiệm mỗi cá nhân, còn về hiệu quả với xã hội thì đúng là cần các nghiên cứu cụ thể để phân tích, chứ không thể từ vài hiện tượng cá nhân thành tích cao hoặc cá nhân thất bại - không may mắn mà đi đến kết luận về cả một mô hình từ mỗi góc nhìn phiến diện đó.

Anh nghĩ thế nào về sự "tự do trở thành” mà anh Giáp Văn Dương nói tới?

- Tôi không bình luận vì chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ khái niệm này. 

"Công bằng" không có nghĩa là "cào bằng"

Phía phản đối mô hình trường chuyên nói tới sự công bằng trong giáo dục. Người ta thường nói rằng những người được hưởng lợi không bao giờ thấy có sự bất công, mà sự bất công chỉ những người thiệt thòi mới nhận ra. Anh thấy điều này đúng - sai thế nào khi áp vào học sinh chuyên?

- Giáo dục năng khiếu và tài năng không phải là một “đặc ân” cho một số nhỏ “tinh hoa”, mà thực sự là việc đáp ứng quyền và nhu cầu được phát triển theo khả năng và đặc điểm riêng trong học tập và rèn luyện của các học sinh sinh viên có năng lực và cố gắng vượt trội.

Một ví dụ tương tự, mô hình học bổng du học nước ngoài có khác gì "đặc ân" cho một nhóm nhỏ "hưởng lợi" nếu theo cách suy luận kia? Và ta có cần phải chia đều ngân sách học bổng cho tất cả ai có nhu cầu đi du học, bất kể trình độ khả năng?

Người hưởng lợi và người thiệt thòi thì có thể nói những quan điểm cảm tính cá nhân để bày tỏ thái độ. Nhưng trước vấn đề sống còn là nên tồn tại hay không tồn tại một mô hình giáo dục  thì cần các phân tích khách quan - độc lập, và như tôi nói là không phụ thuộc vào xuất thân của người đưa ra luận điểm.

Tôi cũng chia sẻ nhiều lần là "công bằng" không có nghĩa là "cào bằng":  giáo sư Miraca Gross (một chuyên gia Úc trong lĩnh vực này) trong bài giảng cho chúng tôi đã ví von rất hình ảnh là để đạt cái gọi là “công bằng”, nhiều người có ý định cắt tỉa tất cả những khóm hoa cao lớn hơn (cut down the tall poppies) cho bằng chằn chặn hết để đạt cái gọi là "công bằng" theo cách nghĩ của họ.  

Tôi thử đưa ra một ví dụ đời thường như đường trên cao vành đai 3 ở Hà Nội vốn chỉ dành cho ô-tô mà không dành cho xe thô sơ, gắn máy, người đi bộ. Chẳng lẽ để đạt công bằng, ta đề nghị lắp đặt biển giới hạn tốc độ 15 km/h rồi cho tất cả các loại phương tiện lên đây, vì vốn vay ODA vốn dĩ ai cũng phải gánh nợ thì cũng phải được hưởng lợi như nhau?

Anh thấy lý lẽ phản đối nào là bất công nhất đối với trường chuyên, học sinh chuyên? Tại sao?

- Chỉ từ vài  hiện tượng do quan sát xung quanh mà không có nghiên cứu rồi phán, quy chụp học sinh chuyên là như thế này, như thế khác; rồi chỉ vì những bất cập của hệ thống trường chuyên, rồi hô hào đề nghị xoá bỏ vô căn cứ, thì tôi nghĩ điều này không khách quan và thực tế.

Tôi vẫn nhấn mạnh lại là cần cải tiến, thay vì xoá bỏ mô hình trường chuyên hiện nay.

 

{keywords}

Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020 với kinh phí:  2.312,758 tỷ đồng, có mục tiêu tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố. Thiết kế infographic: Adamo Studio.

Cần cải tiến, chứ không hô hào xóa bỏ

Đã từng nghiên cứu về đào tạo tài năng ở nhiều nước, anh có thể cho biết các nước phát triển nhìn nhận về mô hình "trường chuyên" ra sao? Có những tranh luận "tồn tại hay không tồn tại" như ở Việt Nam không và tại sao lại thế?

- Tôi xin đưa ra vài nét phác thảo về điểm giống nhau và khác nhau cơ bản của họ so với mô hình chuyên chọn của ta.

 

Tranh luận thì đã từ lâu và sẽ còn tiếp tục, nhưng như tôi quan sát, việc đề xuất cải tiến phổ biến hơn, việc đề xuất "tồn tại hay không tồn tại" rất ít, do để dập hẳn một mô hình đã và đang tồn tại, thì cần những "cuộc vận động" với những dẫn chiếu - nghiên cứu nghiêm túc, khách quan và tác động được đến những quyết định/ biểu quyết phân bổ ngân sách công cho các mô hình này.

Có 3 điểm Giống. Thứ nhất là tồn tại các mô hình chuyên - chọn công lập, do ngân sách nhà nước trang trải (ví dụ ở Mỹ có nghiên cứu chỉ ra 165 trường chuyên công lập, thu hút 136.000 học sinh, chiếm 1% trong tổng số học sinh cùng độ tuổi).

Thứ hai là thi tuyển vào cũng rất căng thẳng, và thậm chí có nhiều phản biện gay gắt về các em đỗ là "năng khiếu thật" hay chỉ là được "chuẩn bị kĩ" (luyện lò, gia sư kèm kĩ...), dù là ở Sydney hay New York.

Và thứ ba là tranh luận đã diễn ra từ lâu và vẫn liên tục về công bằng hay cào bằng: Tiền của công có nên ưu ái một nhóm nhỏ? Thế nào cách tuyển chọn chuẩn? Mô hình đào tạo ra sao? ...

Cũng có 3 điểm Khác. Thứ nhất là do kinh tế phát triển, các nước đi trước có nhiều mô hình ngoài công lập cũng cùng tham gia. Thứ hai là cách sắp xếp "khối chuyên" đa dạng hơn rất nhiều, có thể là STEM, hoặc là nhánh về Xã hội nhân văn, cách làm cũng linh hoạt hơn, ví dụ như ngoài các môn chuyên học rất sâu thì các hoạt động xã hội và các môn khác thì học chung cùng các bạn khác, chứ không tách thành lớp học riêng tất cả các môn.

Anh Kim Ngọc Minh là cựu học sinh chuyên Lý trường THPT Hà Nội – Amsterdam, từng họcTrường ĐH Ngoại thương, ĐH New South Wales (The University of New South Wales).

 

Và điểm khác thứ ba là nhiều mô hình nước ngoài có mối liên thông nhất định với định hướng lên đại học ở các trường chuyên cấp 3, khi mà việc kết hợp với các khoá/ các lớp/ các môn/ các giáo sư đại học là rất mở nên phát huy được khả năng - tố chất của các em trên con đường dài, cũng là cách sử dụng hiệu quả tiền đầu tư (dù là của nhà nước cho một nhóm nhỏ).

Đề xuất của anh về vấn đề này? Anh dự đoán cuộc tranh luận này sẽ đi đến đâu?

- Tôi thừa nhận mô hình chuyên chọn Việt Nam còn nhiều vấn đề, nhưng là để cải tiến chứ không phải vì thấy có vấn đề mà hô hào xoá bỏ. Bây giờ, bối cảnh trong nước và quốc tế cho phép nhiều mô hình cùng chung sống ,có cả trường công và trường tư chuyên chọn cùng tồn tại, chứ không phải kiểu Có hay Không, một Mất một Còn.

Thêm vào đó, tranh luận cần đưa vào các dẫn chứng, số liệu, phân tích hơn là các quy chụp vội vàng.

Để có căn cứ phù hợp với các quyết định tiếp theo nên cải tiến thế nào, theo tôi nên có một nghiên cứu tại Việt Nam tương tự như "Exam Schools: Inside America's Most Selective Public High Schools" của 2 nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ, đã in thành sách: "Bên trong các trường công lập chuyên hàng đầu nước Mỹ", với việc tiến hành khảo sát 165 trường công chuyên tại 30 bang.

Xin cảm ơn anh.

Chi Mai thực hiện