“Giờ nhìn lại nếu không cương quyết mở cửa cạnh tranh viễn thông và Internet là khó sớm kí được BTA và WTO, là cản trở sự phát triển và hội nhập của đất nước, là có lỗi với dân với nước” – Ông Mai Liêm Trực- Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin truyền thông) nói.
LTS: Tiếp mạch bài 30 năm Đổi Mới nhìn từ ngành Bưu chính - Viễn thông, Tuần Việt Nam giới thiệu bài trò chuyện với ông Mai Liêm Trực – Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện.
Xem lại kỳ 1: Lực cản đeo đẳng và áp lực từ cấm vận
Xem lại kỳ 2: "Lúc đó xôn xao, nhiều người sợ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia"
Khi nhìn lại 30 năm Đổi Mới trong ngành công nghệ thông tin và Viễn thông, là một trong những người đóng góp lớn trong lĩnh vực này, ông có thể chia sẻ những thành tựu mà ngành đã đạt được?
Trong 15 năm đầu thời kì Đổi Mới, Tổng cục Bưu điện có hai quyết định quan trọng nhất mang tính chiến lược, tạo đột phá và bước ngoặt cho sự phát triển viễn thông và Internet tại Việt Nam.
Quyết định thứ nhất, ngay từ năm 1987 đi thẳng vào số hoá mạng viễn thông Việt Nam với những công nghệ hiện đại, cung cấp được những dịch vụ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của đất nước trong thời kì mở cửa và hội nhập với thế giới.
Đó là một quyết định dũng cảm và táo bạo trong khi 95% thế giới đang dùng mạng viễn thông analog, đất nước ta và ngành bưu điện còn nghèo sau những năm bao cấp, lại bị Mỹ cấm vận kinh tế và cấm cả liên lạc viễn thông và công nghệ cao với Việt Nam.
"Một số vị lãnh đạo cấp cao cũng lo ngại mở cửa cạnh tranh sẽ không quản lý được, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia", ông Mai Liêm Trực. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Người đứng mũi chịu sào là Tổng Cục trưởng Tổng Cục Bưu điện Đặng Văn Thân đã cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ toàn ngành nỗ lực phi thường, có nhiều chính sách và giải pháp độc đáo như: lấy viễn thong quốc tế làm khâu đột phá, mở rộng hợp tác quốc tế để tạo vốn, công nghệ và đào tạo cán bộ, chăm lo đời sống cán bộ “Người bưu điện sống bằng nghề bưu điện”, đồng thời phối hợp với các Tập đoàn viễn thông lớn của Mỹ (đặc biệt là AT&T) vận động Quốc hội Mỹ bỏ cấm vận viễn thông với Việt Nam (bỏ được cấm vận viễn thông năm 1992, hai năm trước khi bỏ cấm vận kinh tế năm 1994).
Đến năm 1995, Việt Nam đã số hoá và tự động hoá tất cả các tỉnh, thành phố trong nước, kết nối với Mỹ và hàng chục nước trên thế giới, cung cấp tất cả các dịch vụ viễn thông như điện thoại, fax, truyền số liệu, thông tin di động, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc của đất nước. Cũng trong năm này, ngành bưu điện là ngành kinh tế kĩ thuật đầu tiên của Việt Nam đón nhận huân chương sao vàng, được Đảng, nhà nước và nhân dân đánh giá là ngành đi đầu trong sự nghiệp Đổi mới.
Quyết định chiến lược thứ hai là xoá bỏ độc quyền, mở cửa cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông và Internet. Bước đầu tiên là khi chuẩn bị đưa Internet vào Việt Nam (1997), trong một ngày tôi kí 4 giấy phép làm ISP cho VNPT (VDC), FPT, NetNam và Saigon Net sau đó là Viettel.
Bước tiếp theo là năm 2000, Tổng cục Bưu điện cấp phép cho Viettel kinh doanh dịch vụ đường dài trong nước và quốc tế bằng công nghệ VOIP (Điện thoại qua Internet) đồng thời sau đó cấp băng tần di động cho SPT và Viettel để phát triển thông tin di động, tạo cạnh tranh thực sự trên thị trường viễn thông Việt Nam.
Nhờ có cạnh tranh nên giá cước giảm mạnh, chất lượng dịch vụ được nâng lên nên tốc độ phổ cập dịch vụ viễn thông và Internet tăng nhanh khắp mọi miền đất nước, kể cả nông thôn, vùng sâu xa và biên giới hải đảo.
Áp lực mở cửa thị trường viễn thông
Việc mở cửa thị trường đối với các ngành độc quyền tư nhân như viễn thông, điện lực, đường sắt, hàng không rất khó khăn với nhiều nước như Singapore, Thái Lan…chứ không riêng gì Việt Nam, vậy ông có những áp lực và khó khăn gì khi sớm mở cửa cho cạnh tranh thị trường viễn thông Việt Nam?
Đúng là cho mở cửa cạnh tranh đối với các lĩnh vực độc quyền tự nhiên là rất khó khăn. Lĩnh vực viễn thông thường mất khoảng mười năm từ lúc có chủ trương đến khi thị trường hoàn toàn cạnh tranh thực sự như ở Pháp, Đức, Nhật, Malaisia, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…
Ở Việt Nam thời điểm từ giữa những năm 1990 của thế kỉ trước, ngành bưu chính viễn thông đang phát triển rất tốt với chiến lược số hoá và tăng tốc, được lãnh đạo và nhân dân đánh giá cao nên chưa có áp lực mạnh của dư luận yêu cầu mở cửa thị trường.
Tuy vậy đã có những than phiền nhất định về giá cước cao, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có chủ trương cho Công ty điện tử và thiết bị thông tin Sigeles (sau này là Viettel) và Công ty Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) được tham gia kinh doanh dịch vụ Bưu chính viễn thông.
Cả Viettel và SPT lúc đó đều lúng túng chưa biết tham gia thị trường thế nào vì đầu tư cho ngành Bưu chính Viễn thông đòi hỏi nguồn vốn lớn mà doanh thu của Viettel chỉ có vài tỷ đồng từ xây dựng cột Anten Viba cho bưu điện, SPT thì có vài chục tỷ từ mua bán thiết bị điện tử viễn thông. Cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục Bưu điện cũng chưa biết mở cửa thế nào, mở cái nào trước cái nào sau như điện thoại nội hạt hay đường dài, mạng cố định hay di động…Một số vị lãnh đạo cấp cao cũng lo ngại mở cửa cạnh tranh sẽ không quản lý được, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Ông Vũ Khoan kí Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kì (BTA) tháng 7/2000. Ảnh tư liệu |
Sau thành công mở cửa cạnh tranh Internet năm 1997, Tổng cục Bưu điện quyết tâm xoá bỏ độc quyền, mở cửa cạnh tranh các dịch vụ viễn thông. Tổng cục Bưu điện chọn Viettel làm đội tiên phong xung kích đột phá vào thị trường bằng dịch vụ điện thoại qua Internet VOIP vì đầu tư cho VOIP vốn ít mà có thể thu được lợi nhuận nhanh. Giao cho Viettel cũng vì có đội ngũ cán bộ kĩ thuật giỏi đã từng xây dựng và quản lý thông tin khuyên dùng của quân đội. Mặt khác, giao cho Viettel cũng giúp cho các vị lãnh đạo cấp cao yên tâm hơn về vấn đề an ninh quốc gia.
Mặc dù vậy vẫn có một vị lãnh đạo cấp rất cao thấy Tổng cục Bưu điện mở cửa cạnh tranh viễn thông và Internet quá lo lắng nên xuống làm việc với Tổng cục Bưu điện. Khi nghe vị Phó Tổng cục trưởng báo cáo về chiến lược phát triển ngành, đến đoạn mở cửa thị trường cạnh tranh trong nước rồi đến cạnh tranh quốc tế, vị này đã găy gắt cắt ngang và nói: Thế này thì mất an ninh quốc gia, mất chủ nghĩa xã hội. Tôi bình tĩnh nhưng cương quyết đáp lại là năm 1945, ta chưa có năm nghìn Đảng viên trong điều kiện thù trong giặc ngoài mà cách mạng vẫn thành công, bây giờ có hai triệu Đảng viên (thời điểm đó) thì sao phải sợ, phải tin vào dân mình mà đất nước đang mở cửa hội nhập.
Đúng là áp lực hội nhập quốc tế đã thúc đẩy chúng tôi quyết tâm xoá bỏ độc quyền, mở cửa cạnh tranh về viễn thông. Từ năm 1997, viễn thông được đưa vào đàm phán trong Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA), phía Mỹ yêu cầu rất cao về hinh thức liên doanh (JV) kể cả 100% vốn nước ngoài được đầu tư vào doanh nghiệp viễn thông. Trong khi đó, ngành bưu điện chỉ cho phép hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) tức là nước ngoài chỉ đầu tư vốn còn xây dựng và quản lý cung cấp dịch vụ viễn thông hoàn toàn do phía Việt Nam. Bưu điện đang làm rất tốt BCC với Austraylia (mạng quốc tế) và Thuỵ Điển (Mobifone) nên mọi người rất phản ứng khi nghe nói sẽ làm theo hình thức liên doanh với nước ngoài.
Khi họp ban cán sự Đảng, nghe Tổng cục Bưu điện báo cáo về lộ trình (JV) với nước ngoài để đàm phán BTA, có một vị đã thốt lên thế này thì mất Xã hội chủ nghĩa. Còn Hội đồng quản trị VNPT thì đề nghị họp với Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện. Tôi cương quyết gạt đi và nói các đồng chí cứ báo cáo lên cấp trên, tôi chịu trách nhiệm trước Thủ tướng chính phủ.
Mấy năm đàm phán gay go với phía Mỹ, lại phải thuyết phục nội bộ ngành và làm yên lòng các vị lãnh đạo cấp cao còn quá lo ngại về an ninh quốc gia, lo mất lợi ích kinh tế và việc làm cho người lao động nước ta khi nước ngoài vào làm liên doanh viễn thông tại Việt Nam.
Tại phiên đàm phán cuối cùng về BTA tại Washington DC, Bộ trưởng Thương mại Việt Nam lúc đó là ông Vũ Khoan đã điện mật về nước và nói hai nội dung còn vướng mắc là Viễn thông và Ngân hàng. Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm gọi tôi lên giải trình hai tiếng đồng hồ, sau đó yêu cầu tôi và Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thuý sang báo cáo với Thường vụ Bộ Chính trị để quyết định và điện sang cho đoàn Việt Nam để ký BTA.
Thật may mắn là Việt Nam đã sớm mở cửa cạnh tranh trong nước trước vài năm để tập dượt và chiến lĩnh thị trường. Nhờ vậy mà ta đã kí BTA và 6 năm sau là kí Hiệp định thương mại WTO. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã lớn mạnh, giữ vững gần như tuyệt đối thị trường viễn thông Việt Nam và một số doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT đã kinh doanh thành công ở thị trường nước ngoài.
Giờ nhìn lại nếu không cương quyết mở cửa cạnh tranh viễn thông và Internet là khó sớm kí được BTA và WTO, là cản trở sự phát triển và hội nhập của đất nước, là có lỗi với dân với nước.
Đón đọc bài 4: “Ông Lê Khả Phiêu hỏi kĩ về chống lộ bí mật nhà nước”
Lan Anh thực hiện