Tại Hội thảo Khoa học Quốc gia "tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu" diễn ra vào ngày 7/10, đã có nhiều chuyên gia, nhà khoa học hiến kế cho Thủ đô.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội có tiềm năng lợi thế lớn, thành tựu nhiều. Tuy nhiên, "câu hỏi day dứt là thành tựu ấy có xứng với tiềm năng, kỳ vọng chưa? Tiềm năng ấy đúng tầm chưa, thể hiện vai trò dẫn dắt, tiên phong của Thủ đô đất nước chưa? Làm thế nào để Hà Nội có thể vươn mình đúng tiềm năng vị thế, dẫn dắt đất nước?”. 

W-PSX_20241007_092914.jpg
PGS.TS. Trần Đình Thiên. Ảnh: Lê Anh Dũng 

“Không có gì phải nghi ngờ - Hà Nội là xứ sở, là tọa độ hội tụ sức mạnh quốc gia, là vùng đất tích hợp tiềm năng, tổ hợp lợi thế và hội tụ tài năng. Hà Nội hội tụ các cơ hội phát triển, không có nơi nào trên đất nước có đủ những yếu tố đó. Đó là những lợi thế tuyệt đối”, ông Thiên khẳng định. 

Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, để biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh hiện thực, cần có điều kiện và giải pháp. Chúng ta chưa đạt được thành tựu như mong đợi vì giải pháp chưa đến tầm và điều kiện chưa đủ.

Nguyên nhân là do Hà Nội còn thiên lệch đến lợi thế tĩnh, lợi thế sẵn có của Thủ đô từ ngàn năm, nhưng lợi thế động, năng lực trí tuệ của Hà Nội trong cuộc đua tranh trong thế giới hiện đại thì chưa được chú trọng. 

“Cách tiếp cận tiềm năng lợi thế và giải pháp thực hiện chủ yếu phải từ tương lai, hướng tới tương lai chứ không phải so sánh với quá khứ và hiện tại”, ông Thiên nói và cho rằng, Trung ương cần mạnh dạn trao cho Hà Nội quyền đặc biệt, sáng tạo ra hình mẫu phát triển mới, đúng nghĩa thành phố dẫn dắt.

Chung quan điểm này, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) khẳng định, suốt gần 8 thế kỷ của Văn minh Đại Việt, đất nước đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong phát triển kinh tế, chấn hưng văn hóa, lập nên những kỳ tích anh hùng chống ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, hoàn thành công cuộc mở cõi và định cõi để có được một quốc gia dân tộc độc lập, thống nhất…

W-PSX_20241007_085849.jpg
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: Lê Anh Dũng 

“Trong kỷ nguyên văn minh Đại Việt, Thăng Long (Đông Đô, Đông Kinh) luôn luôn là Kinh đô, là trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm kinh tế, xã hội và văn hóa lớn nhất và tiêu biểu nhất của cả nước. Thăng Long thực sự là không gian lịch sử - văn hóa hội tụ, giao lưu, kết tinh và lan tỏa lớn nhất, mạnh nhất, quan trọng và tiêu biểu nhất trong suốt kỷ nguyên văn minh Đại Việt và mãi về sau”,  GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc nói. 

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc cũng cho rằng, nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội. Vì thế, phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Hà Nội nên xây dựng mô hình thành phố trong thành phố

Ở góc nhìn khác, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong bối cảnh Hà Nội đang hoàn thiện quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung, Hà Nội cần phải bảo đảm tính kế thừa, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Hiện tại, trong Quy hoạch Thủ đô, tầm nhìn được xác định đến năm 2050, còn trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô thì tầm nhìn xác định đến năm đến năm 2065. Điều này dễ dẫn đến mục tiêu và vấn đề liên kết giữa 2 quy hoạch trong quá trình phát triển của Thủ đô sẽ có nhiều bất cập.

“Trong khi, Quy hoạch Thủ đô là cơ sở để cung cấp số liệu cho điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, dẫn đến hai quy hoạch sẽ không có sự trùng khớp giữa các giai đoạn phát triển, trong khi nội dung dự báo về dân số và lao động (cho từng thời kỳ) là yếu tố quan trọng với công tác quy hoạch vì nó quyết định việc sử dụng đất ở, đất hạ tầng, cây xanh công viên mặt nước.

W-PSX_20241007_102603.jpg
KTS. Trần Ngọc Chính. Ảnh: Lê Anh Dũng 

Vì vậy, cần phân tích kỹ các kịch bản để điều chỉnh phân bố dân số. Tiếp tục giảm dân số trong nội đô lịch sử, thúc đẩy hình thành, tạo nơi đến có chất lượng ở các đô thị phát triển, đô thị vệ tinh... Tăng cường kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô”, ông Chính nói.

Do đó, ông Chính kiến nghị, khu vực đô thị, nông thôn của Hà Nội cũng phải kiểm kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô. Việc lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cần được làm rõ trong lần điều chỉnh này.

“Đối với 5 đô thị vệ tinh, cần rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Cần kế thừa mô hình phát triển đô thị đã được xác định tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt.

Đặc biệt, Hà Nội cần tiếp cận mô hình thành phố trong thành phố với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô. Nghiên cứu đô thị vệ tinh Phú Xuyên kết hợp sân bay phía Nam, để có thể trở thành thành phố phía Nam”, ông Chính nhấn mạnh. 

Hội tụ nhiều tiềm năng to lớn cho Hà Nội phát triển

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, các chuyên gia đã tập trung phân tích những thành tựu và kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trải qua 70 năm, khẳng định Hà Nội là Trung tâm kinh tế lớn, đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế cả nước.

Hà Nội luôn đi đầu cả nước về phong trào văn hóa, là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Chất lượng y tế và giáo dục Thủ đô luôn vượt trội hơn so với cả nước. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Các chuyên gia, nhà quản lý đều khẳng định, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng hội tụ nhiều tiềm năng to lớn cho phát triển, đã là một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước, Hà Nội chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục giữ vị thế là cực tăng trưởng kinh tế lớn nhất của vùng đồng bằng Sông Hồng và của cả miền Bắc.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, tổng kết các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế chỉ ra, để thực sự tạo đột phá phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới cần ưu tiên tập trung vào các vấn đề: Dịch vụ và kinh tế đô thị - đây được cho là trụ cột kinh tế Thủ đô Hà Nội. Phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để lãnh đạo thành phố lĩnh hội, tiếp thu những ý kiến quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm hiện thực hóa định hướng và mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu. Đồng thời mong muốn các chuyên gia tiếp tục trao đổi, làm rõ hơn các luận cứ khoa học và thực tiễn để Thủ đô sớm hoàn thành sứ mệnh của mình.