-Trong mọi trường hợp, cần phải tránh sự khiêu khích của Trung Quốc và chỉ sử dụng vũ lực để tự vệ, như thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh mới đây.

Kỳ 1: Trung Quốc tham vọng bá quyền khu vực

Nguy cơ từ biển

Chiến lược gia hải quân Mỹ Alfred Thayer Mahan từng cho rằng, khả năng thống trị đại dương sẽ quyết định cuộc chiến "giữa những người khổng lồ" trong thế kỷ 21.

Hiện tại, Bắc Kinh vẫn đang tích cực xây dựng lực lượng hải quân cho cái họ gọi là "chiến lược phòng ngự biển xa" (Far sea defense). Nhưng với tàu sân bay, tàu ngầm, và mới đây nhất là giàn khoan di động, ai cũng hiểu được rằng tính chất "phòng ngự" của Trung Quốc có thể chuyển sang "tấn công" bất cứ lúc nào.

Trong lịch sử, nước nào làm chủ được biển cả sẽ thống trị được đất liền. Các quốc gia đã từng là "siêu cường" (superpower) đều có sức mạnh hải quân vượt trội: đế quốc Anh trong thế kỷ 17-19, Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ 20, và Mỹ trong thế kỷ 21. Trung Quốc, dù vẫn còn rất xa để tiến tới vị trí đó, không hề giấu giếm ý đồ phát triển quân đội theo hướng tăng cường khả năng viễn chinh (power projection).

Chiến lược hải quân hiển nhiên không thể thiếu biển. Tuy vậy, vòng kim cô của Mỹ từ biển Hoàng Hải (đóng quân ở Hàn Quốc) đến biển Hoa Đông (Okinawa và vùng lãnh thổ Đài Loan), khiến cho Trung Quốc bị chặn đứng đường ra Thái Bình Dương. Họ chỉ có một cửa duy nhất để hiện thực hóa tham vọng của mình: đó là biển Đông.

Có được biển Đông, Bắc Kinh không chỉ đảm bảo cho kế hoạch "siêu cường" thành hiện thực, mà còn giúp quốc gia này kiểm soát được một trong những tuyến đường vận tải biển quan trọng nhất thế giới, nơi hơn một nửa số hàng hóa toàn cầu qua lại hàng năm. Hầu hết lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc cũng đi qua biển Đông (4,5 triệu thùng trên tổng số 6,5 triệu mỗi ngày, số liệu từ Trung tâm Thông tin Năng lượng Mỹ EIA).

Biển Đông cũng là mắt xích tối quan trọng để Bắc Kinh đảm bảo kế hoạch "chuỗi ngọc trai" (String of Pearls), nhằm kiểm soát tuyến vận tải năng lượng - thương mại từ châu Phi qua Ấn Độ Dương.

Vậy nên không có gì lạ khi Trung Quốc gia tăng tuyên bố chủ quyền trên biển Đông khi nhận thấy tiềm lực kinh tế của họ đã ngang ngửa với Mỹ (theo số liệu mới nhất GDP đã vượt qua Mỹ).

Thêm vào đó, việc các quốc gia tranh chấp trong khu vực không phải là đồng minh của Mỹ (Việt Nam), hoặc đồng minh không có tính ràng buộc cao (Philippines và Malaysia), khiến Trung Quốc tin rằng hành động gây hấn của họ sẽ không dẫn đến can thiệp mạnh mẽ nào từ Washington.

Câu chuyện bó đũa

Việc một Trung Quốc trỗi dậy và trở nên hung hãn hơn trong khu vực là điều đã được dự báo trước. Như đã phân tích, nó bao gồm cả yêu cầu về lợi ích kinh tế, chủ nghĩa dân tộc, và nhận thức của chính quyền Bắc Kinh về quyền lực của họ trong trật tự thế giới mới.

{keywords}
Tàu TQ phun vòi rồng vào tàu VN. Ảnh: Cảnh sát biển VN

Gideon Rachman, trưởng ban bình luận quốc tế của tờ Financial Times từng nói, thậm chí Trung Quốc có trở thành một nền dân chủ đi chăng nữa thì họ cũng sẽ xử sự như vậy.

Và trong trường hợp quốc gia này dừng "trỗi dậy" về mặt kinh tế và rơi vào khủng hoảng, nguy cơ xung đột cho các nước láng giềng có thể còn tăng lên. Bởi công cụ chính trị lúc đó sẽ rất dễ bị lợi dụng để đánh lạc hướng các mối lo kinh tế.

Bất ổn ở một quốc gia có vũ khí hạt nhân và tiềm lực quốc phòng như Trung Quốc thực sự sẽ là một thảm họa.

Như vậy, trong bất cứ hướng đi nào của Trung Quốc, Việt Nam đều phải đối phó với nhiều thách thức hơn từ phương Bắc trong thế kỷ 21. Là một nước yếu hơn, Việt Nam có những sự lựa chọn nào?

Trong bài bình luận về sự kiện giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mới đây, cây viết nổi tiếng Thomas Friedman của tờ New York Times bình luận, Việt Nam đang ở cạnh ông lớn ngang ngược, "muốn uống sữa của mình và cả của hàng xóm".

Friedman cho rằng cách duy nhất để Việt Nam đối phó với Trung Quốc chính là phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc và quốc tế để "tái cân bằng" sự trỗi dậy của Bắc Kinh, tránh để họ bẻ đũa từng chiếc.

Ở châu Á, không thiếu những nước có lo ngại về Trung Quốc: Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, và Hàn Quốc. Tất cả đều có những tranh chấp về chủ quyền với Bắc Kinh.

Cùng với đó, thế giới ngày hôm nay khác xa với thời chân lý của kẻ mạnh mấy thế kỷ trước, khi nước lớn tùy thích đem quân đi chinh phạt nước bé. Tất cả các quốc gia hiện đại đều phải chấp hành luật lệ quốc tế, chứ không được hành động ngang ngược tùy thích.

Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam nếu chúng ta xử lý mọi việc minh bạch, sử dụng luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời tăng cường truyền thông để lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Trong mọi trường hợp, cần phải tránh sự khiêu khích của Trung Quốc và chỉ sử dụng vũ lực để tự vệ, như thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh mới đây. Bởi theo như Gregory Poling từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS ở Washington D.C, có thể Trung Quốc đang muốn "nhử" Việt Nam vào bẫy.

Về dài hạn, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng Trung Quốc sẽ có những hành động gây hấn thường trực trên biển Đông, bởi đó là con đường để họ trở thành "siêu cường". Bởi vậy, bên cạnh những hoạt động ngoại giao và quân sự, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt kinh tế: đó là phát triển mạnh mẽ hơn, giảm lệ thuộc vào đầu tư và thương mại từ Trung Quốc.

Điều đó nghĩa là khiến mối quan hệ kinh tế hai nước trở nên bền vững, hai chiều hơn. Hiện tại, Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc, đến hơn 36 tỷ đô la vào năm ngoái. Trong vòng một thập kỷ, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng đến 113 lần. Cần tự chủ được về mặt kinh tế thì VN mới có thể đối chọi lại với con rồng đang lên.

Nói như Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, con đường duy nhất để Việt Nam tránh được mối nguy từ Trung Quốc là trở nên văn minh hơn, giàu có hơn họ. "Điều đó đòi hỏi sự can đảm và kiên nhẫn, nhưng nằm trong khả năng thực hiện của chúng ta."

Trong tiếng Trung Quốc, từ "khủng hoảng" vừa có "nguy" vừa có "cơ hội". Các "con rồng Châu Á" đạt được tốc độ phát triển thần kỳ và hiện đại hóa nhanh chóng chỉ trong vài chục năm, theo Ezra Vogel từ ĐH Harvard, một phần là bởi các nước này đều bị đặt trong sức ép phải phát triển kinh tế để tự chủ và giảm bớt mối đe dọa chiến tranh từ các nước láng giềng (Hàn Quốc bởi Bắc Triều Tiên, và vùng lãnh thổ Đài Loan bởi Trung Quốc).

Mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể sẽ tạo ra thời cơ giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong dài hạn. Làm được điều này sẽ không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi nguy cơ bị chèn ép, mà còn tạo bàn đạp để trở thành một quốc gia giàu có và cường thịnh hơn.

Khắc Giang

------

Tài liệu tham khảo

1.      Beckley, Michael (2011/12), 'China's Century: Why America's Edge Will Endure', International Security, 36:3, pp. 41-78, except 58-73.

2.      Deudney, Daniel and Ikenberry, John (2009). 'The Myth of Autocratic Revival: Why Liberal Democracy Will Prevail', Foreign Affairs, 88:1, 77-93. (SB)

3. Economist (2014). Chinese and American GDP forecasts: Catching the eagle.

4.      Friedman, Thomas (2014). More chopsticks, please. New York Times.

5.      Kagan, Robert (2007), 'End of Dreams, Return of History', Policy Review 144 (11 pp.).

6.      Kagan, Robert (2008), 'History's Back: Ambitious autocracies, hesitant democracies', The Weekly Standard, 13: 46, 25 August, 5 pp.

7.      Kagan, Robert (2008), 'Dangerous Nation', International Politics, 2008, 45, (403-412)

8.      Ikenberry, John (2008), 'The Rise of China and the Future of the West: Can the Liberal System Survive?', Foreign Affairs, Vol. 87, No. 1 (Jan. - Feb., 2008), pp. 23-37

9.      Mearsheimer, J. J. (2010). The gathering storm: China's challenge to US power in Asia. The Chinese Journal of International Politics3(4), 381-396.

10.  Rachman, Gideon (2011). 'This Time It's for Real', Foreign Policy, 184, Jan-Feb., pp. 59-63.

11.  Stockholm International Peace Research Institute (SIPR) database (2012, 2013)

12.  Sørensen, Georg (2006), 'What Kind of World Order? : The International System in the New Millennium', Cooperation and Conflict 2006, 41: 343

Vogel, E. F. (1991). The four little dragons: The spread of industrialization in East Asia (Vol. 3). Harvard University Press.