LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam. Mời quý độc giả gửi bài viết về [email protected].

Mục tiêu tối thượng của dân tộc Việt Nam đã được ghi vào Hiến pháp là xây dựng nước ta trở thành nước “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Điều đó có nghĩa, tất cả những gì chúng ta nói, nghe hằng ngày, từ đường lối, chính sách phát triển đất nước, đến cải cách bộ máy quản trị quốc gia hay cải cách hành chính… đều là công cụ, phương tiện để đi đến mục tiêu tối thượng đó.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hình như đâu đó vẫn có sự lẫn lộn giữa mục tiêu và công cụ. Sự lẫn lộn đó dẫn đến không ít khó khăn trong việc thay đổi công cụ cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng giai đoạn, thời kỳ trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Nhân đọc bài viết “Trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân” của TS Nguyễn Đình Cung trên Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường của Tuần Việt Nam/VietNamNet, người viết rất đồng tình với nội dung bài viết đó và muốn bổ sung một vài ý ngắn dưới đây.

Hơn 20 năm chưa trả xong món nợ là chậm

Một trong những thay đổi mang tính cách mạng của Luật Doanh nghiệp 1999 là “người dân có thể làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm” thay cho công thức tồn tại nhiều chục năm trước đó “người dân chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép”.

{keywords}
Cần trả lại quyền tự do kinh doanh đã được hiến định. Ảnh: T.Tùng/VietNamNet

Quan trọng hơn, tại Điều 33, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Đó là một trong các quyền cơ bản của công dân.

Vậy mà, đến đầu năm 2020, TS Nguyễn Đình Cung - người trực tiếp tham gia soạn thảo luật Doanh nghiệp năm 1999, cũng là thành viên của Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ vẫn còn phải kêu lên: “Trả lại quyền tự do kinh doanh” cho chính chủ nhân của quyền này.

Công bằng mà nói, trong hơn 20 năm qua, hành động theo hướng “Trả lại quyền tư do kinh doanh” cho công dân vẫn liên tục được chính quyền thực hiện. Chẳng hạn, Nhà nước liên tục sửa đổi hoặc ban hành rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đến quyền tự do kinh doanh của công dân.

Bên cạnh đó, ngay sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực pháp luật, trong thời gian rất ngắn, các cơ quan có trách nhiệm ban hành đầy đủ những văn bản hướng dẫn thi hành Luật đó. Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp với nhiệm vụ hàng đầu đưa thật nhanh Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống.

Tổ công tác đi khắp “hang cùng ngõ hẻm” để dọn dẹp giấy phép con và chỉ trong vài tháng xóa bỏ được khoảng một nửa giấy phép con. Thành công này góp phần làm tăng trưởng rất nhanh số lượng doanh nghiệp tư nhân trong khoảng 4-5 năm đầu, kể từ ngày Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực pháp luật. Đến năm 2008, chúng ta đã có 800.000 doanh nghiệp hoạt động.

Vài năm gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo thành lập Tổ công tác tương tự để góp phần dọn dẹp bớt các rào cản không đáng có trong quá trong phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người “mở hàng” các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ với các doanh nghiệp cách đây hơn 20 năm để trực tiếp nghe họ phản ảnh những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Từ đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm rất nhiều việc để tháo gỡ khó khăn, túc đẩy tăng doanh nghiệp. Và việc làm này được Thủ tướng các nhiệm kỳ tiếp theo nối dài cho đến nay.

Tuy nhiên, vẫn còn có câu hỏi vì sao đã hơn 20 năm rồi mà vẫn chưa trả xong món nợ: “Trả lại quyền tư do kinh doanh cho người dân”? Hơn thế nữa, có khía cạnh của món nợ này còn nhiều hơn, nặng nề hơn?

Chẳng hạn, tiếng kêu cứu của doanh nghiệp tại cuộc gặp giữa người đứng đầu Chính phủ với doanh nghiệp mới nhất (ngày 23/12/2019) so với cuộc đối thoại tương tự như vậy cách đây hơn 20 năm chẳng khác nhiều về đầu việc. Vẫn là các vấn đề mà các lãnh đạo Chính phủ nêu ra như “quy hoạch, tiếp cận đất đai, tín dụng, sử dụng lao động, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giấy phép, cung cấp điện nước; hay những vấn đề thanh kiểm tra chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp; vẫn là tình trạng cơ quan nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều; sự trì trệ của nhiều sở ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp, làm mất thời cơ của doanh nghiệp…

Hệ lụy của tình trạng nêu trên là không nhỏ. Xin nhắc lại một vài con số từ Báo cáo của Tổng cục thống kê sau cuộc tổng điều tra doanh nghiệp: Vào thời điểm tháng 1/2017 cả nước có 517. 924 doanh nghiệp hoạt động; trong khi đó, năm 2008 chúng ta đã có 800.000 doanh nghiệp hoạt động.

Đặc biệt, quy mô doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ, số doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng mạnh, chiếm trên 98% tổng số doanh nghiệp. Trong số doanh nghiệp vừa và nhỏ thì doanh nghiệp siêu nhỏ là chủ yếu, chiếm đến 74-75%. Số liệu trên đây cũng cho thấy mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là khó khăn.

Điều cần nhấn mạnh là tình hình đó dẫn đến sự thua thiệt tất yếu trong cuộc cạnh tranh đang diễn ra ngày một gay gắt, phức tạp hơn trên bình diện toàn cầu. Doanh nghiệp trong nước ngày càng bị đẩy vào tình thế teo tóp, chẳng hạn, doanh nghiệp siêu nhỏ thì làm sao tiếp cận được các nguồn vốn vay từ các ngân hàng, dù lãi vay tại các ngân hàng của chúng ta là quá cao, nhưng trước mắt chưa hạ được. Không vay vốn được từ các ngân hàng, không ít doanh nghiệp siêu nhỏ muốn tồn tại buộc phải vay trên thị trường chợ đen với điều kiện khắc nghiệt và lãi suất “cắt cổ”. Đây là nguyên nhân trực tiếp đẩy không ít các doanh nghiệp siêu nhỏ đến phá sản…

Kiến nghị

Thứ nhất, từ nay bất kể tổ chức, cá nhân nào có hành động gây cản trở dân “Tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” phải được xem là hành vi vi phạm Hiến pháp; và tất nhiên phải được xử lý theo pháp luật.

Phải đặt vấn đề rõ ràng như vậy mới có thể hạn chế, tiến tới xóa bỏ sự tùy tiện, thích gì làm nấy trong quản trị quốc gia đang còn tồn tại ở đâu đó trong các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và cơ sở. 

Thứ hai, Nhà nước công bố rõ ràng, rành mạch những ngành, nghề “cấm dân kinh doanh”, thậm chí nói rõ những ngành nghề cấm tư nhân kinh doanh.

Nhà nước có thể thay đổi danh mục ngành, nghề cấm dân kinh doanh, nhưng cần công bố sớm và có cơ chế xử lý thiệt hại cho dân đối với những ngành, nghề trước đó dân được tự do kinh doanh.

Thứ ba, Nhà nước công bố rõ ràng, rành mạch danh mục những ngành, nghề “kinh doanh có điều kiện và điều kiện cụ thể là gì”.

Lâu nay, ta chưa làm tốt được điều này, nên có bộ, ngành đặt ra vô số điều kiện kinh doanh, tạo mảnh đất màu mỡ để “giấy phép con” mọc lên như nấm sau mưa.

Thậm chí, “giấy phép con” còn được ra đời ngay trong các luật chuyên ngành khác nhau. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua rà soát đã phát hiện điểm nghẽn thể chế với 20 điểm chồng chéo ở các luật liên quan đến thủ tục đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhà ở...Trong đó chắc chắn không ít “giấy phép con” được sinh ra.

Ngay sau khi văn bản về danh mục những ngành, nghề “kinh doanh có điều kiện và điều kiện cụ thể là gì” có hiệu lực pháp luật, có thể xóa bỏ ngay được các “điều kiện kinh doanh”, gắn liền với nó là “giấy phép con” đối với những ngành, nghề không còn nằm trong danh mục những ngành, nghề “kinh doanh có điều kiện”.

Đó là việc không đơn giản, nhưng nếu Nhà nước có quyết tâm thì chắc chắn làm được. Như vậy, dân sẽ bớt “khổ” khi đăng ký thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều cơ quan nhà nước sẽ tiết kiệm được không ít thời gian mà thời gian để đi “lùng sục” nhằm tìm cách xóa bớt “giấy phép con”, mà xóa được “bầy con” này thì “bầy con” khác lại được sinh ra, đông hơn.  

Thứ tư, đề nghị Tổng cục Thống kê định kỳ cuối quý, cuối năm công bố số liệu cụ thể về doanh nghiệp đang hoạt động. Lâu nay, Tổng cục thống kê đã có nhiều cố gắng trong việc công bố số liệu liên quan đến doanh nghiệp trong các báo cáo hàng tháng, hàng quý, hàng năm như số liệu về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể…

Các số liệu liên quan đến doanh nghiệp theo các tiêu chí trên đây là cần thiết và quý giá đối với các nhà nghiêm cứu, các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Nhưng giá như cơ quan thống kê công bố thêm số lượng doanh nghiệp đang hoạt động (gắn liến với nó là lượng vốn, lượng lao động sử dụng…) thì hay và quý hơn nhiều.

Bởi lẽ, số liệu về doanh nghiệp đang hoạt động giúp người quản nhiều hơn trong việc điều chỉnh hoặc đưa ra chính sách mới có liên quan đến doanh nghiệp.

Số liệu về doanh nghiệu theo bốn tiêu chí nêu trên đây còn mang tính nặng tính trung gian. Chẳng hạn, báo cáo thống kê nêu: “Năm 2019, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục 138,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp mới ra nhập thị trường”.

Con số 138,1 nghìn doanh nghiệp mới làm cho chúng ta vui mừng một nửa thôi, bởi từ con số 138,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp đi vào hoạt động trong năm 2020; 2021 hoặc có bao nhiêu doanh nghiệp trong số này “chết yểu”.

Con số mà nhà quản lý cần hơn là số lượng doanh nghiệp đang hoạt động cuối năm 2019 là bao nhiêu, tăng bao nhiêu so với năm 2018. Từ đó, có thể dự báo gần với sống nhất răng liệu cuối năm 2020, chúng ta có được 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động như mục tiêu đề ra hay không.

Hải Lộc