Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu (web đen) trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.
Cho đến nay, các trang web đen, thông tin độc hại vẫn liên tục được lan truyền trên các mạng xã hội. Chỉ cần dạo vài vòng trên mạng Internet thì thấy vẫn tràn ngập hội nhóm có xu hướng bạo lực hoặc hướng dẫn tìm hiểu các tệ nạn xã hội (cờ bạc, ma tuý, mại dâm) như: Hội những người thích đâm thuê chém mướn, bảo kê; Hội anh em mê bạo lực; Hội thích hút thuốc cỏ Mỹ...
Nếu trẻ em/người chưa thành niên sử dụng mạng xã hội thiếu sự hướng dẫn, kiểm soát của người lớn, sẽ rất dễ bị thu hút vào các trang web đen độc hại này. Trẻ em/người chưa thành niên thường thích chơi những trò chơi trực tuyến, có kết nối, chia sẻ với nhau, từ một hành động nhỏ có thể nhanh chóng trở thành trào lưuthúc đẩy trẻ em tham gia mà không rõ lợi ích và tác hại của những trào lưu đó. Không ít trẻ dễ dàng tin và làm theo hướng dẫn của các trang mạng, gây ra hậu quả khôn lường.
Câu chuyện trẻ nhỏ trên thế giới tự ý tham gia trò chơi có tên “Thử thách cá voi xanh” là một minh chứng rõ rệt. YouTuber Cá Voi Xanh khuyến khích trẻ làm tổn thương mình bằng cách thực hiện các thử thách nguy hiểm trong đó có việc tự tử. Đã có nhiều trường hợp trẻ thực hiện thử thách và dẫn tới mất mạng.
Tại Việt Nam cũng đã có YouTuber xây dựng các clip có nội dung máu me bạo lực để tăng lượng view (Timmy TV) hoặc và clip có nội dung mê tín dị đoan đối với trẻ (Thơ Nguyễn). Cùng với đó là một số nhóm kín như “Hội nói xấu cha mẹ” trên Facebook, làm cho trẻ có nhận thức lệch lạc về các chuẩn mực, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Điều 33 Luật Trẻ em đã quy định về quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội. Theo đó, trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.
Điều 73 Luật Công nghệ thông tin cũng quy định: Nhà nước, xã hội và nhà trường có trách nhiệm bảo vệ trẻ em không bị tác động tiêu cực của thông tin trên môi trường mạng, và tiến hành các biện pháp phòng, chống các ứng dụng công nghệ thông tin có nội dung kích động bạo lực và khiêu dâm.
Có thể nói Luật Trẻ em và Luật Công nghệ thông tin có những quy định khá toàn diện liên quan tới việc lọc hoặc ngăn chặn những nội dung có hại cho trẻ em. Tuy nhiên, khái niệm “những thông tin có hại” vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
Việt Nam cũng đã yêu cầu phải tuân thủ hệ thống phân loại và cảnh báo nội dung cho những người sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông, song dường như chưa có bất kỳ quy định nào đối với lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông về việc phải sử dụng công nghệ xác thực độ tuổi để hạn chế trẻ em tiếp cận những nội dung hay văn hóa phẩm chỉ dành cho những người ở một độ tuổi nhất định.
Để giảm thiểu rủi ro cho trẻ khi sử dụng mạng Internet, ngoài việc ứng dụng các công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, thì sự đồng hành với trẻ từ phía nhà trường và gia đình là rất cần thiết.
Việc sử dụng Internet là quyền lợi của trẻ em, vì vậy cần phải trang bị kiến thức, kinh nghiệm để trẻ khai thác quyền lợi này một cách hợp lý, hợp pháp và đúng định hướng. Cần tôn trọng quyền sử dụng Internet của trẻ chứ không phải là tuyệt đối ngăn cấm.
Thời gian tới, cần sớm đưa vào sử dụng trong ngành giáo dục và đào tạo các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, góp phần thực hiện chuyển đổi số một cách an toàn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.