“Tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam đi qua 16 tỉnh, TP với tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 6.505 ha. Số hộ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 15.500 hộ, trong đó có 3.900 hộ dự kiến phải tái định cư…”.
Đó là khẳng định của Bộ GTVT trong tờ trình trình Chỉnh phủ về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Đường cao tốc sẽ được làm mới và mở rộng có nơi lên sáu làn xe |
Một số tuyến cao tốc Bắc – Nam đã hoàn thành
Theo Bộ GTVT, Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326 ngày 1-3-2016, tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Tuy nhiên, đoạn Hà Nội - Lạng Sơn đã đầu tư và đưa vào khai thác 46km đoạn Hà Nội - Bắc Giang, quy mô 6 làn xe; hiện đang đầu tư 64km đoạn Bắc Giang - TP Lạng Sơn quy mô 4 làn xe và đã phê duyệt dự án đoạn TP Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị, khởi công năm 2017, hoàn thành năm 2019.
Đối với đoạn TP.HCM - Cà Mau, thì tuyến TP.HCM - Trung Lương đã hoàn thành đưa vào khai thác; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang thực hiện đầu tư; đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang lựa chọn nhà đầu tư. Đoạn Cần Thơ - Cà Mau hiện nay đã có tuyến quốc lộ 1 và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp song hành nên cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đến sau năm 2030.
“Như vậy, tuyến cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam các đoạn Lạng Sơn - Hà Nội, TP.HCM - Cà Mau đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Còn lại đoạn Hà Nội - TP.HCM chiều dài khoảng 1.622km cần nghiên cứu đầu tư… Trong đó, tình hình đầu tư trên tuyến Hà Nội - TP.HCM hiện đã đưa vào khai thác 123 km gồm các đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ (30 km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50 km), TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (43 km); đang triển khai thi công 127km đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Như vậy, tuyến đường phải đầu tư còn lại khoảng 1.372km…”- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.
Phân kỳ đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam
Theo Bộ GTVT, để đầu tư đoạn còn lại của tuyến Bắc – Nam, đơn vị đưa ra ba phương án đầu tư xây dựng gồm: Phương án 1, Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỉ đồng: Đầu tư với chiều dài khoảng 467km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vinh (Nghệ An); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT; đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai).
Phương án 2, Nhà nước hỗ trợ khoảng 63.000 tỉ đồng: Đầu tư với chiều dài khoảng 916km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình) đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT; đoạn Nha Trang - Dầu Giây (Đồng Nai). Nhưng phương án này Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước khoảng 21.586 tỉ đồng cho các dự án quan trọng, cấp bách khác.
Phương án 3, Nhà nước hỗ trợ khoảng 70.000 tỉ đồng: Đầu tư với chiều dài khoảng 1.015km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT; đoạn Tuy Hòa (Phú Yên) - Dầu Giây (Đồng Nai). Đối với phương án này, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí thêm từ nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước khoảng 28.586 tỉ đồng cho dự án đường sắt cấp bách và các dự án quan trọng, cấp bách khác.
“Trong ba phương án trên Bộ GTVT kiến nghị đầu tư theo phương án 1, bởi phù hợp nhu cầu vận tải đến 2020 và cân đối vốn bố trí cho các dự án cấp thiết, quan trọng của Bộ GTVT để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có…”- lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Như vậy, nếu theo phương án 1 (Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỉ đồng) dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến kéo dài trong sáu năm (từ năm 2017 đến 2022). Cụ thể, xây dựng mới đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Vinh (Nghệ An) và đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) theo hình thức hợp đồng BT với quy mô 4 làn xe; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai) với quy mô 4 làn xe cao tốc; tổng chiều dài khoảng 386km.
Giai đoạn 2, dự kiến kéo dài từ năm 2023 đến năm 2028: Đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, bao gồm đoạn Vinh (Nghệ An) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Phan Thiết (Bình Thuận) với quy mô 4 làn xe.
Như vậy, tổng chiều dài giai đoạn 2 là 905km, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 142.157 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 55.181 tỉ đồng; vốn Nhà đầu tư khoảng 86.976 tỉ đồng.
Giai đoạn 3, (dự kiến sau năm 2028), hoàn chỉnh tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 69.123 tỉ đồng.
Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Bắc – nam là mạng lưới giao thông như mạch máu duy trì, thúc đẩy mọi hoạt động của nền kinh tế của mỗi quốc gia, giao thông vận tải với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, đáp ứng mọi nhu cầu đi lại của người dân là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
(Theo PLO)