Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than và dầu hiện nay và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong tương lai gần.

Tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng lần này đối với ngành năng lượng Việt Nam có thể nhận thấy đó là giá các loại năng lượng nhập khẩu sẽ có mức tăng theo giá năng lượng thế giới.

Các loại năng lượng sản xuất trong nước nhưng có phương pháp định giá theo giá năng lượng thế giới cũng sẽ tăng với các mức độ khác nhau.

Năng lượng là yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất điện và mọi hoạt động của nền kinh tế, do đó, sẽ khiến chi phí sản xuất điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể.

Yếu tố này sẽ có tác động đến quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Thời gian qua, có thể thấy, tỷ lệ năng lượng sạch như điện Mặt Trời, điện gió... được xây dựng và đưa lên lưới đã tăng lên đáng kể.

Điều này giúp Việt Nam đa dạng hóa các nguồn năng lượng, giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu do đó, sẽ tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn.

{keywords}
Nhân viên PC Nam Định kiểm tra hiện trưởng xử lý thay sứ trên lưới điện 110kV

Có thể nhận thấy, chúng ta cần tiếp tục chuyển dịch năng lượng thông qua việc thực hiện triệt để các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển hài hòa giữa năng lượng mới và năng lượng truyền thống.

Đầu tiên, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng để giảm nhu cầu năng lượng.

Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cần tiếp tục thực hiện với một lộ trình khả thi phù hợp với chi phí đầu tư công nghệ năng lượng tái tạo và giá bán điện.

Ngoài ra, nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu điện và các dạng năng lượng sơ cấp cũng cần được thúc đẩy. Các yếu tố này cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam diễn ra hiệu quả và ngăn ngừa được các tác động tiêu cực.

Với Việt Nam, việc đảm bảo nguồn cung nhiên liệu, năng lượng trong ngắn hạn chưa đối mặt với những vấn đề phức tạp nhờ các hợp đồng nhập khẩu than và khí dài hạn.

Tuy nhiên, việc đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí trong nước trong thời gian tới cần sự điều hành thống nhất để đảm bảo cung ứng nguồn nhiên liệu than, khí giữa các tập đoàn năng lượng trong nước.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển các hạ tầng cơ sở nhập khẩu năng lượng cũng cần được đảm bảo tiến độ để duy trì khả năng nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.

Đồng thời, cần phát huy công suất các nguồn năng lượng tái tạo, tăng cường tích nước thủy điện sẽ góp phần giảm nhẹ sức ép lên nhiệm vụ đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy điện.

Phạm Thiện