Tiến sĩ đi học theo Đề án 322 trở về không quay lại cơ quan cũ bị độc giả phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu cơ chế sử dụng không tốt thì việc nên ra đi và làm cho nơi khác cũng là đóng góp cho nhân dân.

THÔNG TIN LIÊN QUAN
Cần tiến sĩ có lý tưởng vì cộng đồng

Độc giả Nguyễn Thế Anh cho rằng: Những người đi học tiến sĩ 322 thừa biết trước khi đi những vấn đề về môi trường làm việc. Khi về lấy cớ này cớ kia để ra ngoài kiếm tiền cho nhanh. Tôi không đến nỗi bi quan về môi trường làm việc khoa học ở Việt Nam. Nếu ai đó thực sự có tâm, say mê vẫn sẽ có được nghiên cứu bài bản, có ích.

Theo tôi, phải yêu cầu những người ra làm ngoài bồi thường không những vật chất mà còn phải tìm hình thức nào đó yêu cầu họ bồi thường về thời gian vì họ đã làm mất cơ hội của người khác và của đất nước. Chúng ta cần những tiến sĩ không những có lý thuyết, thực tế mà phải có cả lý tưởng hỗ trợ cộng đồng chứ không chỉ là làm giàu cho bản thân.

Một độc giả khác, có biệt danh là tung76xd đồng tình: Để có học bổng đi học ở nước ngoài, có thể có nhiều cách. Hoặc là tự học tiếng Anh thật giỏi, chuyên môn thật tốt rồi tự nộp hồ sơ đến các trường và chờ học bổng. Cách này thực sự gian nan, rất khó. Trong khi đó, chỉ cần làm việc trong cơ quan nhà nước, rồi thi theo chương trình của Bộ, là có thể có cơ hội đạt được học bổng 322.

Vậy anh em đi 322 nghĩ như thế nào? Cơ quan cũ chỉ là cái bàn đạp cho anh em? Tiền thì đúng là tiền của dân, nhưng không phải muốn tiêu ra sao thì tiêu. Anh em phải nghĩ là khi anh em đi nước ngoài thì tập thể ở lại phải nai lưng ra mà cõng công việc cho anh em (dù chỉ là "việc nhà nước"). Vì vậy, nếu anh em có tâm với cái tập thể đó, với cái "bàn đạp" đó, thì đừng bàn chuyện bỏ cơ quan ra ngoài vội.

"Tại sao lại có người kêu ca về điều kiện làm việc không như ý. Chính vì điều kiện làm việc không như ý nên Nhà nước mới bỏ tiền ra để đào tạo các nhân tài về để làm đầu tàu khắc phục thực trạng yếu kém của khoa học trong nước. Các vị đỗ đạt trở về đã tự hỏi mình điều đó chưa. Để có bằng TS mất rất nhiều tiền của dân, tại sao khi trở về các bạn lại đòi thế này thế khác, các bạn đã bao giờ tự hỏi mình đã làm gì để cải thiện điều đó cho xứng với học vị của mình chưa", độc giả Hồng Hà chia sẻ.

Độc giả Thanh Hải cho rằng, mức lương thấp và môi trường làm việc chưa tốt là tình trạng chung của giới trí thức Việt Nam nói chung và đội ngũ giảng viên ĐH nói riêng, điều này ai cũng biết, và các TS 322 trước khi đi học cũng đã thừa hiểu điều này - nhưng vẫn đã cam kết để mong giành suất đi học. Nay có bằng TS, họ không thực hiện cam kết, lại làm như ngạc nhiên, cứ như thể họ bị lừa dối. Họ đã bội tín, trí thức mà bội tín sao? Người bị lừa dối là nhà nước và nhân dân chứ không phải họ.

Cơ chế sử dụng mới đáng trách?

Một bộ phận độc giả khác cho rằng những tiến sĩ đi học 322 về sang cơ quan khác phục vụ hay đi làm cho nước ngoài cũng là phục vụ đất nước vì có đóng thuế.

Một độc giả tự nhận là tiến sĩ 322 sắp về nước chia sẻ: Làm giàu cho đất nước là công bằng như nhau ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, nơi công tác. Vấn đề bất cập là ở cơ chế quản lý. Do đó sự ra đi của các TS là cần thiết cho một cuộc thay đổi. Nếu cơ chế tốt, đãi ngộ tốt, điều kiện làm việc tốt thì không ai xin ra ngoài làm đâu. Tôi cũng là một NCS 322 sắp hoàn thành và trở về. Băn khoăn không phải là đi hay ở mà là sẽ như thế nào trong tương lai khi cơ quan cũ chìm trong đấu đá, cơ chế xin cho và nhiều vấn đề bất cập khó nói. Tôi cũng đã nhận được một vài lời mời nhưng sẽ trở về cơ quan cũ khoảng nửa năm. Nếu mọi việc tốt thì sẽ ở lại, không thì ra đi là lựa chọn tất yếu. Tôi hưởng lợi từ tiền thuế của dân thì tôi sẽ mang lại lợi ích cho đất nước VN chứ không phải một cá nhân nào.

"Là người đang đi học theo học bổng 322, tôi có một số ý kiến như sau: Đúng là môi trường làm việc hiện nay tại các cơ quan nhà nước nói chung và các ĐH nói riêng không phát huy được lợi thế từ kiến thức của các du học sinh trở về. Tuy nhiên, những người đã nhận học bổng từ nhà nước và quyết định đi học thì liệu rằng trước khi đi họ đã suy nghĩ đến vấn đề này hay chưa, hay người đi học chỉ biết nghĩ đến việc làm sao để được đi học mà không suy nghĩ đến việc sẽ làm gì để phục vụ lại nơi đã cho họ đi. Ngoài ra, nếu đã là người đi học tập ở môi trường năng động, sáng tạo thì bản thân du học sinh phải tự tìm cách để phát huy bản thân chứ không nên quá "đổ thừa"", độc giả tên Nam viết.

Một độc giả khác cho rằng: Những du học sinh này tuy không phục vụ cho nhà trường nhưng đừng quá thiển cận cho rằng "lãng phí tiền của dân". Bởi họ có làm lĩnh vực tư nhân hay nhà nước thì cũng phục vụ cho đất nước này. Trung Quốc có tầm nhìn hết sức chiến lược, hơn 50 năm trước họ đã có chiến lược cử người sang các nước phát triển để học mà không ràng buộc gì. Nhiều người học xong ở lại họ cũng chấp nhận, bởi họ biết một ngày nào đó những người tài giỏi ấy sẽ trở về với kiến thức cực kỳ cao cấp. Chiến lược ấy đã giúp cho Trung Quốc có được biết bao nhà khoa học hàng đầu đã trở về quê hương!

Độc giả hiến kế cho đề án 322 hiệu quả

Nhân dân có thể thu hồi lại tiền tài trợ đó bằng cách đóng thuế thu nhập của các tiến sĩ sau khi họ thành tài, dù họ làm việc ở bất cứ đâu. Ngoài ra, chúng ta có thể thiết kế một hình thức "cho vay dài hạn- trả nợ dần" để tạo điều kiện cho bất cứ ai cũng có thể đi học cao hơn. Tiền đầu tư của dân nhờ thế chẳng mất đi, trái lại, được quay vòng tốt và nhanh, còn sinh lợi lớn lao vì "đẻ" ra thêm các tiến sĩ cho nước nhà. Về phía các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước: thiết nghĩ phải biết "vận hành theo cơ chế thị trường", phải biết "cạnh tranh" với các công ty tư nhân... thì mới giành được người tài về làm việc cho mình. Tôi thấy bên Mỹ người ta đã làm như vậy và nhờ thế nước họ tiến rất nhanh, một độc giả đóng góp cao kiến.

"Rất nhiều TS đi học bằng nguồn kinh phí không phải của nhà nước mà có được sử dụng đâu. VN đâu có thiếu TS, sao lại bỏ tiền thuế của dân để đào tạo đắt đỏ như vậy. Bỏ tiền ra đào tạo cho họ, đào tạo xong họ đặt ra điều kiện này nọ, bây giờ bỏ tiền ra giữ họ. Chung quy lại, tự bản thân chương trình 322 là cơ chế bao cấp ngớ ngẩn và lỏng lẻo về mặt pháp lý và tiêu phí  tiền của dân", độc giả Vũ Hoàng Việt cho biết.

"Tôi biết đích danh một cán bộ cấp Bộ đi học bằng học bổng 322 ở Mỹ không trở về mà còn không phải hoàn trả một đồng nào cho ngân sách nhà nước. Đề án 322 cần nghiêm túc xem lại khâu tiếp nhận LHS về nước, theo dõi quá trình làm việc và phát triển của họ để xây dựng đề án cho tốt hơn. Nếu không làm được việc này, thì việc kéo dài hay phát triển đề án thật là lãng phí tiền của dân", độc giả Trần ([email protected]) cho hay.

"Chúng tôi cũng là giáo viên, nhưng ở các trường ĐH hoặc CĐ (công lập) nhưng không bao giờ được tiếp cận 322 hoặc 911 gì đó, nhưng do yêu cầu chúng tôi vẫn phải làm NCS trong nước với chi phí khoảng 100 - 200 triệu đồng, không được tài trợ để "sống sung túc" khi ở nước ngoài, trong khi đó công việc chuyên môn vẫn phải thực hiện, nhưng chúng tôi có kêu ca gì đâu?", một độc giả chia sẻ.

Độc giả Nguyễn Hồng Tín nhấn mạnh: Theo tôi đề án 322 cơ bản là thất bại. Đâu phải đào tạo TS rồi là xong, mà vấn đề là làm sao sử dụng những con người này một cách hiệu quả và bền vững. Cơ chế quản lý, chế độ thụ hưởng, môi trường làm việc như hiện nay thì những TS chất lượng không bao giờ mặn mà với cơ quan nhà nước, ngoại trừ núp bóng để làm ăn riêng hay lợi ích nhóm.

  • Tú Uyên (tổng hợp)