Ngày 16/10, nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, anh Đ.H.H (31 tuổi, trú tại quận Sơn Trà) vẫn chưa hết bàng hoàng khi "từ cõi chết trở về". Nam bệnh nhân là cần thủ sống sót kỳ diệu sau 32 giờ trôi dạt trên biển.
Người đàn ông làm nhân viên văn phòng ở Đà Nẵng. Sau giờ làm buổi chiều, anh thường có thú vui câu cá giải trí. Gần 10 năm đi câu, đây là lần đầu tiên anh bị trượt chân, gặp nạn.
Tối 13/10, anh cùng 2 người bạn đến câu cá tại bờ kè đá dưới chân cầu Thuận Phước (quận Hải Châu). Khoảng 21h, khi bạn đã ra về, anh H. phát hiện mồi mắc vào ghềnh đá nên lội xuống nước gỡ ra nhưng không may hụt chân và bị nước cuốn trôi.
Chiếc ba lô cứu mạng
Lúc rơi xuống nước, cần thủ 31 tuổi đang đeo một chiếc balô. Lúc này, balô nổi ra phía trước, người tụt lại phía sau, anh vội kéo lại và ôm vào trước ngực. Chiếc balô chứa các hộp nhựa đựng mồi câu đậy kín nắp nên nổi được. Đây chính là phao cứu sinh giúp nam bệnh nhân sống sót một cách kỳ diệu.
“Sau một lúc lênh đênh trên biển, tôi với được miếng xốp trôi dạt, vội nhét vào trong áo để tăng thêm sức nổi. Tôi cũng cố ôm chặt balô để không bị chìm và uống nước biển”, anh Hùng kể.
Anh Hùng cho hay dù biết bơi nhưng thời điểm anh rơi xuống nước, trời tối om, không bóng thuyền qua lại nên anh không xác định được đâu là bờ để bơi vào. Trong đêm đầu tiên trôi nổi trên biển, anh vẫn tỉnh táo. Một cơn mưa lớn đã tiếp nước ngọt cho anh.
Đến ngày thứ hai, người đàn ông trẻ đã không còn cảm giác tay chân và đói bụng khiến cơ thể mệt mỏi. Dù vậy, anh vẫn luôn cố giữ chặt chiếc ba lô cứu sinh của mình cho đến khi dạt vào bờ biển Nguyễn Tất Thành và được người dân phát hiện lúc 5h ngày 15/10. Vị trí anh H. được tìm thấy cách nơi bị nạn khoảng 4km.
Bị đắp chiếu vì tưởng đã chết
Chị L.T.D (vợ sắp cưới của anh H.) chia sẻ khoảng 21h tối 13/10, chị gọi điện cho anh nhưng mất liên lạc, ra bờ kè đá tìm nhưng không thấy.
Chờ đến 4h sáng hôm sau vẫn không thấy tin tức của người yêu, chị đi tìm nhưng chỉ thấy xe máy của anh để trên bờ kè, sợ có chuyện chẳng lành nên trình báo cơ quan công an. Sau đó, lực lượng chức năng cùng bạn bè trong hội câu cá và đội thiện nguyện tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả.
“Hôm sau, người dân đi tập thể dục dưới bờ biển Nguyễn Tất Thành phát hiện anh trôi dạt vào bờ biển. Lúc này, anh vẫn trong tư thế hai tay ôm chiếc ba lô trước ngực. Ban đầu, mọi người tưởng anh đã chết nên đắp chiếu, gọi điện cho người nhà đến nhận dạng. Nhưng sau đó, có người thấy ngón tay út của anh còn cử động nên đã hô hấp nhân tạo, đốt lửa và dùng chăn giữ ấm rồi đưa anh đi cấp cứu ở bệnh viện", chị Diệp kể.
Bác sĩ chuyên khoa II Hà Sơn Bình (Bệnh viện Đà Nẵng) cho hay bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng lơ mơ, bị lạnh, hạ đường máu, rối loạn điện giải… Khi tiếp nhận, các bác sĩ đã dùng một số biện pháp hỗ trợ đường máu, hỗ trợ hô hấp. Hiện nay, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
"Khi phát hiện, nạn nhân lạnh cứng và bị cát bám đầy nên mọi người nghĩ rằng đã tử vong. May mắn có người phát hiện nạn nhân cử động ngón tay út và kịp thời sơ cấp cứu giúp tình trạng của bệnh nhân được cải thiện", bác sĩ Bình chia sẻ.
Theo bác sĩ Bình, trong trường hợp tương tự, người dân khi phát hiện nạn nhân bất tỉnh cần xem xét kỹ hơn, không bỏ qua cơ hội sống của nạn nhân.