Những "vị khách" gặm nhấm đặc biệt thích ghé thăm và lưu trú trên ô tô, nhất là các xe đỗ ở hầm hoặc nơi vắng vẻ, ít người đi lại.
Chuột chui vào khoang máy gây ra nhiều hệ luỵ vô cùng nguy hiểm, nhẹ là làm tổ, lôi rác và đồ ăn, gây ra mùi hôi; nặng là cắn phá các bộ phận nhựa, dây điện, các đường ống dẫn nhiên liệu, nước làm mát, điều hoà,... khiến chiếc xe không thể vận hành được.
Do vậy, rất nhiều chủ xe đau đầu, cố tìm mọi cách để chống chuột hoặc khiến chúng tránh xa chiếc xe của mình.
Chia sẻ tới VietNamNet, anh Nguyễn Đức Thắng (ở Kim Giang, Hà Nội) "mách nước" cách đuổi chuột với chi phí khá rẻ nhưng lại đạt được hiệu quả bất ngờ. Đó là buộc các lưỡi câu lục (loại có 6 móc câu được cố định với nhau) vào các vị trí dễ bị chuột chui rúc trong khoang động cơ ô tô. Khi chuột đi lại vướng vào những lưỡi câu sắc nhọn sẽ sợ và từ đó tránh xa chiếc xe.
Anh Thắng cho biết, chiếc Toyota Zace đời cũ của anh có đặc điểm khoang máy rất rộng và thoáng, là nơi lý tưởng để chuột thường xuyên lui tới. Nhưng chỉ vài ngày sau khi thực hiện tuyệt chiêu này đã không bị "anh tý" quấy rầy và đến nay đã được 3 tháng, chiếc xe của anh vẫn không có bất cứ dấu hiệu nào của những vị khách gặm nhấm.
"Trước đây xe của tôi thường xuyên bị chuột quấy phá rồi tha đủ các loại rác, đồ ăn vào xe. Các dây đèn điện, xi-nhan bị cắn phá thường xuyên. Điên tiết nhất là một lần bị cắn tan bộ dây cao áp và dây nước làm mát khiến xe không thể nổ máy được, thiệt hại đến vài triệu đồng.
Tôi đã thử dùng đủ mọi cách nhưng không ăn thua. Thế nhưng kể từ khi dùng các lưỡi lục này thì thật kỳ diệu là không thấy con chuột nào dám bén mảng vào xe nữa", anh Thắng kể.
Theo chia sẻ của chủ xe này, do bản thân là một người đam mê câu cá đã gần 20 năm nay nên những đồ như lưỡi câu, dây buộc,... là rất sẵn. Còn nếu mua lưỡi câu lục mới thì giá cũng chỉ khoảng 25 nghìn đồng/chiếc, gắn 4-5 chiếc lưỡi câu loại này trong khoang máy là đủ. Tổng "thiệt hại" của phương pháp đuổi chuột có một không hai trên chỉ hơn 100 nghìn đồng, nhưng hiệu quả là rất rõ ràng và lâu dài.
Ngoài ra, anh Thắng có một lưu ý là nên sử dụng các loại dây kim loại có khả năng chịu nhiệt để cố định lưỡi lục, bởi khoang máy ô tô thường có nhiệt độ rất cao. Nếu dùng dây nhựa hoặc ni-lon thông thường có thể khiến dây bị nóng chảy, làm rơi lưỡi câu vào các bộ phận trong khoang lái của xe rất nguy hiểm.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn gì về câu chuyện trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc chia sẻ những kinh nghiệm sử dụng, mua bán xe tới Ban Ô tô xe máy - Báo VietNamNet theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!