Theo Cổng thông tin điện tử TP Cần Thơ, ngày 4/7/2017, Sở TT&TT TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị trực tuyến, sơ kết hoạt động ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, đồng thời, lồng ghép Hội nghị sơ kết Cổng Thông tin điện tử 6 tháng đầu năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2017 lĩnh vực CNTT phát triển mạnh mẽ, việc liên thông văn bản điện tử từ cấp thành phố đến cơ sở cơ bản tích hợp trực tuyến và công khai tình hình quản lý, gửi, nhận văn bản điện tử của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được duy trì và mở rộng với 429 thủ tục hành chính. Ngoài ra, Sở TT&TT Cần Thơ cũng đã thực hiện chuyên đề “Gặp gỡ và đối thoại” trực tiếp trên Đài PT&TH thành phố, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã cung cấp.
Công tác xây dựng Chính quyền điện tử đang được đẩy mạnh, Sở TT&TT TP Cần Thơ đã làm việc với Tập đoàn FPT về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế, giao thông, du lịch và Tập đoàn VNPT Việt Nam về xây dựng đô thị thông minh. Đồng thời, Sở TT&TT TP Cần Thơ phối hợp với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam về giải pháp thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt thông qua áp dụng dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử và các Cổng thành phần ngày càng phát huy hiệu quả, từng bước trở thành đầu mối cung cấp thông tin chính thống, là đầu mối kết nối hoạt động, cung cấp thông tin của cơ quan hành chính các cấp với Nhân dân. Qua đó nâng cao tính minh bạch trong thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của UBND thành phố, phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu, khai thác thông tin của tổ chức và công dân.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, ngành TT&TT Cần Thơ cần duy trì và tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được ở những tháng cuối năm, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của thành phố. Sở TT&TT TP Cần Thơ cần ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Thường xuyên kiểm tra, xem xét tính hiệu quả trong việc sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, để triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt là hoạt động mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước; tăng cường nội dung thông tin tiếng Anh và kịp thời đăng tải các văn bản chỉ đạo điều hành, thông tin hoạt động của cơ quan, đơn vị trên Cổng Thông tin điện tử; đồng thời có sự phân công, phân nhiệm cụ thể giữa Sở TT&TT với các địa phương, để làm cơ sở nhận xét, đánh giá hoạt động trong thời gian tới.
Hiện tại rất nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước để tiến tới xây dựng chính quyền điện tử. Vào cuối tháng 12/2016, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ cho biết, trên cơ sở xem xét nội dung kiến nghị của Bộ TT&TT tại báo cáo kèm theo văn bản 3963/BTTTT-KHCN ngày 11/11/2016 về xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được ban hành kèm theo Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ nhận định, hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đô thị thông minh. Đây là các khái niệm mới, cần được nghiên cứu thấu đáo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát.