Để xây dựng đồng bộ hạ tầng CNTT tập trung, Sở TT&TT TP.Cần Thơ đã đề nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện không đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT nhỏ, lẻ tại địa phương, để thống nhất đầu tư ứng dụng CNTT đồng bộ từ thành phố đến xã, phường, thị trấn.
Sở TT&TT cho biết, TP. Cần Thơ đặt mục tiêu, đến hết năm 2016 sẽ đầu tư nâng cấp mạng LAN, máy tính tại UBND xã phường, thị trấn đạt từ 35% trở lên. Phấn đấu 90% văn bản điện tử được trao đổi qua môi trường mạng mà không cần gửi văn bản giấy.
Trong 10 năm từ 2005-2015, Cần Thơ đã triển khai 19 dự án, hạng mục ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, với nguồn ngân sách gần 50 tỷ đồng. Hạ tầng CNTT của Cần Thơ trong 10 năm qua đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hệ thống thông tin dùng chung. Hiện tại có 60% cán bộ trong cơ quan nhà nước các cấp có máy tính sử dụng trong công việc. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được hoàn thiện và đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trần, các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội thuộc TP Cần Thơ với tốc độ cao. Tỷ lệ cơ quan có mạng cục bộ (LAN) trên toàn thành phố đạt 100%, tỷ lệ máy tính có kết nối Internet băng thông rộng đạt 100%. Trung tâm dữ liệu của thành phố được xây dựng từ năm 2012 và đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp theo mô hình ảo hóa và điện toán đám mây, đảm bảo duy trì, phục vụ cho việc quản trị hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT của thành phố và các cơ quan nhà nước.
Hệ thống thư điện tử của TP. Cần Thơ đã được đưa vào khai thác và tiếp tục được duy trì, củng cố, nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi thông tin và chỉ đạo điều hành. Hiện có 80% cán bộ công chức được cấp hộp thư điện tử và 65% cán bộ công chức thường xuyên sử dụng trong công việc. 60% các văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử.
Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc được triển khai tới 32/32 cơ quan nhà nước, đạt tỷ lệ 100%. 100% cơ quan nhà nước đã có cổng thông tin điện tử, tích hợp với Cổng thông tin điện tử của thành phố. Phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai xây dựng tại 19/23 sở, ban, ngành, 9/9 quận, huyện và 85/85 UBND xã, phường, thị trấn. Nhờ đó, công dân có thể trực tiếp tra cứu thông tin về tình trạng hồ sơ hành chính, thuận lợi trong giao dịch, trao đổi thông tin với cơ quan hành chính, thuận lợi trong giao dịch và trao đổi thông tin với cơ quan hành chính.
Bên cạnh đó, phần mềm một cửa điện tử còn có phân hệ tích hợp thống kê tình hình xử lý hồ sơ một cửa lên Cổng thông tin điện tử nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành giúp cho lãnh đạo có thể theo dõi, giám sát tình hình giải quyết hồ sơ hành chính của từng ngành.
Cần Thơ đang cung cấp 193 dịch vụ công trực tuyến, với 101 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 83 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Sở TT&TT TP.Cần Thơ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, mặc dù lĩnh vực CNTT đã có những chuyển biến tích cực, các cấp chính quyền và cán bộ công chức, người dân đã bắt đầu nhận thấy vai trò của CNTT trong phát triển kinh tế, xã hội tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, kết quả chưa cao.
Cụ thể, việc cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của một số đơn vị còn hạn chế, chưa được thường xuyên. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã được triển khai khoảng 193 thủ tục, nhưng số lượng người dân và tổ chức tham gia nộp hồ sơ chưa nhiều. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử thông qua phần mềm quản lý và điều hành, qua hệ thống thư điện tử và chữ ký số tại một số đơn vị cũng chưa cao. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và an toàn thông tin còn chậm được triển khai. Các giải pháp phòng, chống an ninh mạng chưa được các đơn vị quan tâm đúng mức. Tỷ lệ cuộc họp thông qua hình thức họp trực tuyến còn thấp.
Trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2016, Sở TT&TT Cần Thơ đặt mục tiêu sẽ xây dựng và hoàn thiện khung kiến trúc chính quyền điện tử theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, làm cơ sở để thực hiện các bước ứng dụng CNTT tiếp theo, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử của thành phố.
Cần Thơ cũng phấn đấu đến năm 2016 đưa Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT và truyền thông nằm trong nhóm 15 địa phương đứng đầu cả nước.