Với mô hình Chợ 4.0, tiểu thương và khách hàng có thể mua bán hàng hóa bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng.
Phát biểu tại hội thảo ‘Ngày nông dân không dùng tiền mặt’ tổ chức cuối năm ngoái, ông Phạm Tiến Dũng - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết hệ thống thanh toán ngân hàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp.
Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, Mobile Money… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai, qua đó góp phần nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho người sử dụng dịch vụ.
Ngân hàng Nhà nước đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn với 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng.
Để đạt được mục tiêu 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm, trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, phó thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...
Đó là phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ;...
Nhờ đó, việc đi chợ không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến tại nhiều chợ huyện xa xôi.
Hôm 3/12, Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp VNPT Cần Thơ, UBND huyện Thới Lai ra mắt mô hình Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Thới Lai.
Vĩnh Thạnh- huyện xa nhất của thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố hơn 80 km là địa phương thứ năm trong số 9 quận, huyện của thành phố được Viettel triển khai mô hình này. Trước đó, chợ 4.0 đã có mặt tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Thốt Nốt và huyện Phong Điền.
Sau thời gian ngắn triển khai, mô hình Chợ 4.0 tại Trung tâm thương mại huyện Vĩnh Thạnh đã từng bước thu được nhiều phản hồi và kết quả tích cực.
Chỉ trong 1 tháng đầu tiên đã có 48 tiểu thương kinh doanh bên trong và xung quanh chợ đăng ký thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng Viettel Money của Viettel và con số này vẫn gia tăng từng ngày.
Hiện nay, việc tiêu dùng không tiền mặt đang dần trở thành thói quen của người dân. Hiệu quả và tiềm năng từ việc phát triển Trung tâm thương mại Vĩnh Thạnh thành điểm thanh toán Chợ 4.0 đã và đang tạo đà để đơn vị nhân rộng mô hình này.
Tới nay, qua 3 tháng triển khai thí điểm Chợ 4.0, tại Cần Thơ đã có gần 1.000 điểm chấp nhận thanh toán VNPT Money, hơn 54.000 khách hàng sử dụng ví VNPT Money để thanh toán. VNPT Cần Thơ cũng đã phát triển 55 điểm nạp, rút tiền ví VNPT Money ở các quận, huyện.
Minh Yến